Khi quân - dân kề vai, sát cánh
Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành và diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại lần thứ 4 ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” quân và dân ta đang dồn tâm, dốc sức cho cuộc chiến không kém phần cam go, quyết liệt và gian khổ, hy sinh giữa thời bình này.
Kết tinh sức mạnh quân - dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước
Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Quân đội ta luôn đoàn kết gắn bó máu thịt với Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu và Nhân dân là điểm tựa tinh thần, vật chất; là cội nguồn sức mạnh để Quân đội ta trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 này, thêm một lần nữa truyền thống, sức mạnh của tinh thần đoàn kết quân - dân được khẳng định và phát huy. Những thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 chính là sản phẩm kết tinh sức mạnh đoàn kết quân - dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đã qua 3 đợt chống “giặc” Covid-19, từ những kinh nghiệm rút ra qua 3 đợt “chiến đấu” trước đó, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát chúng ta đã vào cuộc với tinh thần chủ động, tích cực và quyết liệt hơn.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho ngư dân. Ảnh: P.V.
Trong suốt những ngày qua, các đơn vị quân đội đứng chân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là địa bàn các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh đã xung trận bừng bừng khí thế chẳng khác nào thời chiến tranh. Từng đoàn quân, đoàn xe trùng trùng “nối nhau ra tiền tuyến”, lệnh từ Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng truyền đi, tin tức từ “mặt trận” báo về. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kề vai, sát cánh với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vào cuộc “chiến đấu” với đại dịch Covid-19 ở những nơi nóng bỏng nhất.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia, so với 3 lần trước, diễn biến đợt dịch này phức tạp và khó lường hơn nhiều. Vì thế lực lượng, trang thiết bị địa phương huy động cũng tăng lên, đặc biệt là các đơn vị quân đội. Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Bộ Quốc phòng, tính đến hết tháng 5/2021, cùng với chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh lây lan trong quân đội, toàn quân đã điều động, tăng cường hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có lực lượng xét nghiệm cơ động và 43 tổ lấy mẫu tăng cường cho tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Cho đến nay, lực lượng này đã xét nghiệm được hơn 254.000 mẫu. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo triển khai 3 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến hết ngày 30/5, các bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận 641 bệnh nhân Covid-19 vào điều trị. Cùng với đó, lực lượng Bộ đội Hóa học và Quân y các đơn vị đã phối hợp tổ chức phun khử trùng diện rộng các ổ dịch với tổng diện tích trên 80 héc-ta.
Trên địa bàn Quân khu 7, các đơn vị triển khai 55 điểm cách ly với 12.511 giường và hiện nay đang tổ chức cách ly cho 6.315 công dân. Đồng thời Quân khu 7 đã thành lập 9 đội và 56 tổ phòng, chống dịch bệnh cơ động, 8 tổ chuyên khoa tăng cường, 51 tổ truy vết Covid-19 từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện dã chiến số 5 quy mô 500 giường bệnh sẵn sàng triển khai tại Quân đoàn 4.
Bộ đội hóa học tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ Trường THPT Hoàng Mai. Ảnh tư liệu: Thành Cường.
Trên tuyến biên giới, vượt lên những khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn ở, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang duy trì 1.906 tổ chốt chặn với gần 13.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng bộ đội biên phòng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tham gia; trên biển các đơn vị huy động 27 tàu và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện 1.814 trường hợp xâm nhập trái phép.
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, đặc biệt là các “chiến sĩ áo trắng” đến từ các bệnh viện quân đội và học viên quân y họ thực sự là những chiến binh luôn xung kích trên tuyến đầu, ở những điểm nóng nhất về chống dịch. Bất kể ngày đêm, quên ăn, quên ngủ các “chiến sĩ áo trắng” vào trận đảm nhiệm mọi công việc từ lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, đến thiết lập, quản lý và phục vụ trong các khu cách ly; đảm bảo công tác vệ sinh khử trùng, khử khuẩn tại các điểm nóng về dịch bệnh...
Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ; những khuôn mặt hằn sâu vết khẩu trang và thiết bị bảo hộ; những thân hình trong bộ đồ chống dịch ướt đẫm mồ hôi bởi cái nắng nóng 39-40 độ; những bước chân loạng choạng, ngất xỉu vì kiệt sức… gửi về tuyến đầu chống dịch đã lấy đi nước mắt của bao người. Tinh thần xả thân, tận tâm, tận tụy, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hy sinh bản thân vì nhiệm vụ kiềm chế, ngăn chặn dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, đặc biệt là các “chiến sĩ áo trắng” khiến ai ai cũng cảm động, khâm phục và nể trọng.
Các cán bộ y tế Nghệ An xuất quân hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu: Thành Cường.
Quân đội thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả và toàn dân “chia lửa” chống dịch
Không chỉ vì Nhân dân trong nước, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng trước bối cảnh các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia cũng chịu tác động to lớn bởi dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã trao tặng nhiều trang thiết bị y tế và cử tổ chuyên gia sát cánh cùng quân đội và nhân dân các nước bạn phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra Quân đội nhân dân Việt Nam còn chuẩn bị 3 đội phòng, chống dịch thuộc lực lượng của 3 bệnh viện quân y sẵn sàng tham gia giúp bạn Lào, Campuchia khi có lệnh.
“Chia lửa” với cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng phòng, chống dịch, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân các địa phương vừa động viên tinh thần, vừa huy động mọi nguồn lực có thể để hợp sức với cán bộ, chiến sĩ ngoài “mặt trận”. Tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” trong thời kỳ kháng chiến lại sống dậy trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 thời bình. Không phải làm những gì to tát, cao siêu, cách thể hiện tinh thần “chia lửa” với bộ đội và các lực lượng chức năng thiết thực nhất là mọi người dân luôn tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Không chỉ cứu hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khó khăn trong vùng dịch, nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân đã gửi quà, trái cây, nước uống, lương thực - thực phẩm… tặng các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đón nhận những tình cảm ấy, các lực lượng chống dịch nói chung và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng ai cũng cảm thấy ấm lòng, thêm niềm tin, thêm động lực và ý chí quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra phòng, chống dịch trên tuyến biên giới. Ảnh tư liệu: Thành Cường.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nguy cơ tái bùng phát nhiều nơi và có thể còn kéo dài. Khó khăn, trở ngại còn nhiều nhưng bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết quân - dân, đặc biệt là tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân của các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng “giặc” Covid-19 sẽ đẩy lùi. Chiến thắng sẽ thuộc về Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam.
PHÙNG KIM LÂN
(Nguồn: Báo Nghệ An)
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận