Tình nguyện lên biên cương chống dịch
Đã hơn 2 tháng nay, Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thành Vinh, Ban Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chưa về thăm gia đình. Anh là một trong 32 đồng chí cán bộ xung phong tăng cường lên tuyến biên giới phía Tây phối hợp ngày đêm tuần tra, kiểm soát ngăn chặn dịch ở tuyến đầu bên giới.
Một ngày tháng Sáu, trời nắng như đỏ lửa, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tăng cường lên chốt Tà Ly Lâm, Đồn Biên phòng Quốc tế của khẩu cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc. Đường tuần tra men theo những con suối, vượt qua những cánh rừng có nhiều dốc cao, vực thẳm... Theo chân các anh, chúng tôi thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nỗi vất vả, sự cống hiến thầm lặng của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi trên đường hành quân, Trung úy QNCN Nguyễn Thành Vinh, Ban CHQS thành phố Hà Tĩnh, nói: “Hai tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình trạng vượt biên trái phép ngày càng gia tăng. Biết tin cần lực lượng tăng cương lên biên giới chống dịch Covid-19, tôi liền viết đơn tình nguyện xung phong lên đường. Ban đầu vợ, con rất bất ngờ, lo lắng cho tôi, nhưng lại rất đồng tình ủng hộ. Vợ bảo: “Em thương anh vất vả, nhưng vợ, con rất tự hào khi bố khoác trên mình màu xanh áo lính, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là điểm tựa của vợ, con và Nhân dân...”. Dù đã quen với việc trực chiến dài ngày của chồng, nhưng vợ vẫn lo lắng khi tôi lên tuyến biên giới phòng, chống dịch Covid-19. Biết được điều đó nên tôi cũng thường xuyên gọi điện về động viên để vợ và các con yên tâm. Điều tôi lo lắng nhất là tình hình dịch ở thành phố Hà Tĩnh rất phức tạp, khu vực gần nhà ở có những trường hợp F1; vợ, mẹ hay con mà đi cách ly tập trung thì thương lắm”.
Sau gần 4 giờ đồng hồ tuần tra, kiểm soát các anh trở về lán trại nhanh chóng vào bếp lúi húi nhen lửa, nấu cơm. Trời nhá nhem tối các anh ăn vội bát cơm rồi lại tất bật chuẩn bị lên đường tuần tra. “Tôi tâm niệm rằng, khi khoác lên mình bộ quân phục thì nhiệm vụ bảo vệ biên cương, kiểm soát tốt dịch bệnh là nhiệm vụ “đánh giặc thời bình”, giữ vững bình yên cho Nhân dân. Mặc dù ở thành phố điều kiện ăn ở, đi lại thuận lợi, lên vùng biên thì lại khác hoàn toàn nhưng khi lên nhận nhiệm vụ tăng cường biên giới tôi xác định lán trại là nhà, rừng là đơn vị, dù có khó khăn, gian khổ đến mấy cũng vượt qua, không để lọt bất kỳ đối tượng nào nhập cảnh trái phép vào địa bàn". Trung úy Nguyễn Thành Vinh, cho biết thêm.
Công việc hàng ngày của các anh là ngày đêm bám trụ, chốt chặn ở các đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng người dân làm nương rẫy gần khu vực biên giới để đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Trung úy Nguyễn Thành Vinh nhớ lại, cách đây khoảng một tháng trước, tổ tuần tra, kiểm soát phát hiện hai công dân người tỉnh Lạng Sơn cải trang người dân bản vượt biên trái phép. Khi gặp chúng tôi, công dân liền bỏ chạy vào rừng. Tổ tuần tra nhanh chóng báo cáo lên Đồn xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời tích cực tuần tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền vận động... Với phương châm "không để lọt tội phạm", tổ tuần tra “xuyên đêm, trắng ngày” tuần tra, kiểm soát đã thuyết phục được hai công dân tự nguyện về cách ly phòng chống dịch theo quy định.
Làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc, Trung úy Nguyễn Thành Vinh cũng như 428 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 tăng cường lên biên giới “ăn suối, ngủ rừng”, ngày đêm bám chốt, không quản ngại vất vả, nguy hiểm, tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở đã hình thành “lá chắn sống” nơi biên cương. Những người lính trên tuyến đầu chống dịch góp phần thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, giữ bình yên cho Nhân dân, nhân lên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận