A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật luôn lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu…

  Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật sinh năm 1931 tại xã Tiên Lý (cũ) Làng Bùng, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Trước đây tên là Làng Bà Nghị, dòng Võ quan Bùi Thế Đạt Tướng công đời Lê (Hiện có đền đang lưu ở xóm Mỹ, làng Hữu Bằng).

Mặc dù tuổi cao nhưng Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật  vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị.

       Cha ông là một cố nông hiền lành, chất phác. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Em, tham gia phong trào Xô – Viết 1930 – 1931, tham gia lãnh đạo thôn hội Hữu Bằng xã Lộc Liên Láng (cũ) chuẩn bị cho nông dân khởi nghĩa. Tỉnh ủy Nghệ An đã có văn bản công nhận bà là Lão thành Cách mạng trước năm 1945.

        Đại tá Đậu Kỷ Luật học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ rất sớm. Biết nhà mình nghèo nên ông rất lo học hành, nổi tiếng siêng học và học giỏi, nhất là hai môn văn và toán. Lũ bạn con nhà giàu rất nể, không đứa nào dám coi thường ông.

       Năm 1945 mẹ ông mang cờ búa liềm ra diễn thuyết cho phụ nữ công nông làng. Ông đi theo và đến nay còn nhớ lời của mẹ: “Trận này là trận cuối cùng. Quyết phen này sống chết mà thôi”. Sau này vào đội Thiếu niên tiền phong và ông được bầu làm đội trưởng. Biết chữ sớm nên dù còn ít tuổi ông đã hăng hái tham gia phong trào Bình dân học vụ. Ông được giao dạy nhiều lớp Bình dân học vụ ban đêm của xóm.

Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật (thứ 3 trái sang) trả lời phóng vấn phóng viên Báo Quân khu 4.

       Học xong Trung học, năm 1952 ông tình nguyện nhập ngũ. Làm anh Vệ quốc đoàn, hành quân tới đâu, đóng quân nơi nào dù ở miền núi heo hút, ông cũng tìm sách, báo để đọc. Lòng ham đọc sách đã trở thành máu thịt trong ông. Đã có thời gian ông được giao giảng dạy môn toán cho anh em bộ đội Biên phòng ở miền Tây Nghệ An. Ông tham gia viết báo từ năm 1955. Rồi từ một chiến sĩ viết báo ông trở thành một Đại tá Nhà báo Quân đội. Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật đã tham gia hầu hết các chiến trường A, B,C. Những Mặt trận ác liệt nhất thời chống Mỹ cứu nước ông đều có mặt. Ông lao vào công việc, cầm bút bằng trái tim anh bộ đội Cụ Hồ, bằng trái tim một Nhà báo - Chiến sĩ. Đối với lớp nhà báo trẻ, anh chăm chú đọc từng bài viết, chỉ bảo cho anh em từng li, từng tí. Mặc dù bị cận nặng, với chiếc xe Thống Nhất cà tàng, anh mải miết đi, mải miết viết. Anh có mặt khắp các điểm nóng từ Ngã ba Đồng Lộc, phà Bến thủy, Khe Gát (Quảng Bình), Vĩnh Linh, Quảng Trị, Xiêng Khoảng…vv đến với hầu hết các binh chủng, nơi trận đánh trả máy bay Mỹ vừa kết thúc, nơi cung đường vừa bị ném bom, nơi một chiến dịch đang mở…Ông viết đủ các thể loại từ Bản tin, Phóng sự, Bút ký, Truyện ký, Truyện ngắn… Ám ảnh trong từng câu chữ của anh là một thời trận mạc, là “màu nắng đất Lào vàng rực như màu áo cà sa”, là “những ngôi nhà như những hộp diêm” của đồng bào Mông nơi chót vót đỉnh trời; là nỗi niềm “như cái que đuổi lợn” của đồng bào dân tộc ít người nơi biên cương heo hút… Lăn lộn với nghiệp viết, với nghề báo ở miền đất Quân khu Bốn ác liệt, gian nan, từng trang viết của anh về đồng đội, về đồng bào vùng cao nhiều tới hàng ngàn bài báo, bài văn. Những “Suối thì thầm”, “Quãng đường vắng”, “Câu chuyện con đom đóm”, “Thắp hương”…vv mang các Bút danh: Đậu Kỷ Luật, Đậu Ngọc, Diễn Ngọc, Thoong - Xa - vắt…được đăng tải thường xuyên trên các Báo Quân khu Bốn, Quân đội Nhân dân, Phát thanh Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật (trái cùng) trao đổi, trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 4.

       Trong cuộc sống gia đình, điều nổi bật ở Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật là đức độ và tình yêu thương vợ, con, cháu của ông, là tinh thần đoàn kết một lòng với cha mẹ, vợ con, anh em. Noi gương ông, những người con của ông đều ngoan ngoãn chăm chỉ học hành giỏi giang và đều trưởng thành. Năm nay đã sang tuổi 86 ông vẫn giữ nếp nhà mình, vẫn giữ cái tư chất của một người lính, người chồng, người cha, người ông, làm tấm gương mẫu mực về cách sống, học tập, tu dưỡng và trung tâm đoàn kết của gia đình. Trong cuộc sống ông không hề bon chen, cá nhân, địa vị. Khi nghỉ hưu tháng 12/1996 về tham gia CCB tỉnh không nhận tiền lương, sống giản dị, lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu…

       Ông luôn khuyên con cháu noi gương ông học tập suốt đời, tìm sách mà đọc, đọc có phương pháp, có ghi chép, suy ngẫm. Ông tự dặn mình, dặn con cháu đừng bao giờ “ăn theo” người giàu, quan chức, người nổi tiếng, mà phải tự thân nỗ lực phấn đấu lập thân. Ông luôn luôn có quan niệm, bản lĩnh trong vấn đề trau dồi kiến thức. Để tự học, dù ở nhà hay đi chơi con cháu ông cũng thành lập thư viện gia đình để đọc sách, tìm hiểu. Là một nhà giáo, nhà báo quân đội, ông luôn làm tròn chức trách của mình, gắn bó với đồng đội, anh em, đồng nghiệp. Ông tham gia nhiều khóa dạy viết báo, viết văn cho Quân khu, góp phần đào tạo nên một lớp cây bút trẻ có tài năng, có triển vọng và luôn được họ yêu quý, tôn trọng.

       Khi về Hội Cựu chiến binh, là “Tổng Biên tập” Tờ tin CCB Nghệ An, dù tuổi tác đã cao, ông vẫn đi đến với các vùng cao, đến các dân tộc Khơ Mú, Hơ Mông và các dân tộc khác. Anh đi và viết. Với ông, nghiệp viết đeo đẳng suốt đời, còn hơi thở ông còn viết. Những năm cuối đời, do tuổi cao, sức yếu lại lâm bệnh tật. Rất may mắn là ông có người vợ đảm đang, thương yêu chồng hết lòng và những đứa con ngoan, dâu hiền, rể thảo đã hết lòng chăm sóc, cứu chữa nên hơn 80 tuổi ông vẫn minh mẫn, viết đều, viết khỏe. Ông đã có công lớn cùng đồng nghiệp Biên tập cuốn  truyền thống Nhà Văn hóa Quân khu “Một nhà văn hóa ở miền Trung”, cuốn truyền thống Báo Quân khu Bốn “Làm báo trên miền đất lửa” và cho ra đời các tập sách riêng: “Suối thì thầm”, “Văn hóa tộc người Nghệ An”, “Hồn của Lúa”, “Văn hóa cồng chiêng Nghệ An” và đồng tác giả 20 cuốn sách khác. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng ở Trung ương và địa phương, trong đóp có 2 giải nhất….     

        Trọn đời mình với hơn 60 năm cầm bút Đại tá Nhà báo Đậu Kỷ Luật luôn giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp “Anh bộ đội Cụ Hồ”, một lòng, một dạ cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ Quân đội, phục vụ người lính. Ông hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, gia đình, vợ và con cháu. Điều tâm sự cuối cùng của ông là: Mong con cháu biết noi theo gương ông bà, đừng bao giờ sống  hời hợt, dù gặp bao khó khăn, thử thách cũng tự mình nghiêm túc học tập, rèn luyện, “tu thân” mà “tề gia”, vững vàng đi tới xây dựng tương lai cho mình, cho gia đình mình; phụng sự hết lòng cho quê hương, đất nước!

XUÂN DIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội