A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sông Gianh ru các anh yên lành giấc ngủ...

Mưa lũ khủng khiếp ở các tỉnh Bắc miền Trung trong những ngày tháng 10 đã gây nên trận "Đại hồng thủy" lịch sử, tàn phá làm thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân tỉnh Quảng Bình; trong số đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ quê hương “2 giỏi” đã hi sinh vì sự bình yên của Nhân dân. Trong 22 chiến sĩ hi sinh ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 337, có 2 liệt sĩ được đồng đội đưa về quê hương Quảng Bình an nghỉ ngàn thu trong niềm tiếc thương vô hạn đối với quân dân Quảng Bình và gia đình, người thân…

Đông đảo cán bộ, chiến sĩ Nhân dân Quảng Bình đón các anh về với đất mẹ.

Những ngày này trên quê hương “2 giỏi”, ở đâu chúng tôi cũng chứng kiến những tình cảm tiếc thương của đông đảo cán bộ, Nhân dân đối với sự hy của những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Các anh hi sinh là cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337 xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị nơi núi rừng mà các anh tạo dựng nên một màu xanh của núi rừng.

Trong đó, có người mới tuổi đôi mươi, còn bao hoài bão, ước mơ, như Trung sĩ Phạm Văn Thái, sinh  1999, ở xã Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đến căn nhà của Trung sĩ liệt sĩ Phạm Văn Thái không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến bà Nguyễn Thị Bình mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Quyết kiệt sức vì khóc hết nước mắt…

Theo người thân của gia đình, sáng ngày 18/10, Quảng Bình mưa vẫn trắng trời, bão lũ dâng cao khiến lòng bà Nguyễn Thị Bình bồn chồn không yên. Bà lấy chiếc điện thoại trắng đen gọi cho cậu con trai. Phía bên đầu dây, chuông rung từng hồi rồi tắt ngúm. Nghĩ con trai đang đi làm nhiệm vụ, sóng điện thoại lúc có lúc không, bà Bình quay trở lại, cùng chồng dọn lũ. Đến 11h, một cán bộ chạy xe tới nhà lặng lẽ nói: "Em Thái mất tích trong một vụ sạt lở ở Quảng Trị". Bà Bình lùng bùng tai, không còn nghe được gì nữa.

Đông đảo bà con Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quảng Bình đến dâng nén hương cho các liệt sĩ.

Mấy hôm trước Thái gọi điện về nhà. Trong cuộc gọi, cậu trai dặn dò mẹ: "Không có con ở nhà, cố gắng dọn lũ. Bố mẹ già rồi, làm ít, còn giữ gìn sức khoẻ". Bà Bình chưa kịp hỏi lại tình hình bão lũ trong con thì Thái đã tắt máy… Bà chẳng ngờ cuộc gọi chưa được 5 phút hôm ấy, đó là lần cuối cùng bà được nghe giọng cậu con trai.

Vợ chồng bà hành nghề thợ hồ, trời mưa như trít, cái vò gạo trong nhà đã hết từ lâu, hai trái thận của chồng đã hư thì luôn cần thuốc, con gái lớn thì đang mắc bệnh trầm cảm,… Bao nhiêu đen đủi đó ập xuống một lần… Nhận tin con trai gặp nạn cùng 21 đồng đội trong vụ sạt lở núi tại Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Bình tức tốc gói ghém đồ đạc lên đường ngay lập tức. Thế nhưng, đến khi lục hết các túi áo, không còn quá 100.000 đồng để đi tiền xe, bà đành nuốt nước mắt chảy ngược: "Thôi con ở lại, chờ đồng đội đưa về, mẹ không còn đủ tiền để đi đón con".

Nắm thông tin hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Bình không đủ điều kiện để vào Quảng Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã chủ động điều động phương tiện để đưa gia đình bà đi vào gặp con trai lần cuối… Chia sẻ những đau thương mất mát với gia đình, những ngày qua cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con Nhân dân địa phương thường xuyên có mặt tại nhà bà để an ủi, động viên gia đình và thay nhau hỗ trợ chăm sóc ông bà…

Cùng người quê hương Quảng Bình Thượng úy Lê Hải Đức, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới đã hi sinh tại Đoàn KTQP 337. Tiếng khóc gọi bố của con gái mới được 2 tuổi, của Liệt sĩ Lê Hải Đức đã khiến tất cả mọi người phải nghẹn ngào. Cách đây 1 tháng anh Đức có về thăm nhà đưa mẹ con đi chơi Trung thu, ai ngờ đó là lần đoàn tụ cuối cùng của gia đình.

Thượng úy liệt sĩ Lê Hải Đức hi sinh trong niềm tiếc thương vô hạn...

Có mặt tại Nhà Thượng úy liệt sĩ Lê Hải Đức thật sự xúc động, khi các đoàn thể Nhân dân địa phương chăm sóc hai mẹ con chị Hoàng Thị Oanh, 32 tuổi, vợ Liệt sĩ Lê Hải Đức, ngất lên ngất xuống, khóc hết nước mắt thương chồng, thương con không còn có bố. Anh ra đi đột ngột và đầy đau thương, khiến người thân trong gia đình ngã quỹ và không kịp trở tay. Mọi công việc đều nhờ vào sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng đội và bà con lối xóm. Chiều ngày 22/10, thi hài anh đã được đồng đội, người thân đón về quê mẹ ở xã Ninh Lộc trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn.

Vợ và con Thượng úy liệt sĩ Lê Hải Đức...

Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Vân, láng giềng với Liệt sĩ Lê Hải Đức, xúc động nói, “Chú Đức hiền lành, cởi mở, bà con ai cũng thương. Mấy hôm nay ai đến thăm cũng đều khóc khi chứng kiến mẹ, vợ và con gái khóc cạn nước mắt, ngất xỉu… Các đoàn đi cứu trợ miền Trung đi qua đều dừng lại vào thắp nén hương, động viên gia đình và không ai kìm được nước mắt”.

Đông đảo bà con Nhân dân địa phương đến dâng nén hương cho các liệt sĩ.

Các anh hi sinh đã để lại muôn nỗi tiếc thương, đau đớn không chỉ với gia đình, đồng đội, bạn bè mà với cả bà con Nhân dân. Các anh đã về trong vòng tay chào đón tràn đầy yêu thương, cảm phục của bà con, người thân quê nhà, về với đất mẹ thân yêu. Tri ân công lao hy sinh của các anh, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các địa phương nơi các anh sinh ra và lớn lên đã làm mọi công tác chuẩn bị tổ chức Lễ an táng các anh chu đáo. Các anh ra đi vì dân, vì nước nay các anh trở về với đất mẹ thân yêu, quê hương ru anh yên giấc ngủ ngàn thu và các anh sẽ mãi là người con ưu tú của quê hương “2 giỏi” anh hùng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG -CTV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội