Chính ủy Lê Khả Phiêu sống mãi trong trái tim cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 968
“Biết cái ngày này rồi cũng sẽ đến nhưng tôi vẫn bàng hoàng khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu về với thế giới người hiền. Bác Lê Khả Phiêu về cõi vĩnh hằng, để lại những tiếc thương vô hạn cho Nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ toàn quân, LLVT Quân khu 4 nói chung và với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 (Trung đoàn Cù Chính Lan) nói riêng, nơi bác từng là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế hệ chúng tôi rất vinh dự, tự hào được công tác ở đơn vị Anh hùng với những chiến công oanh liệt gắn liền với tên tuổi người Chính ủy kính yêu” – Trung tá Nguyễn Trọng Thuyết, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 chia sẻ với tôi về người chiến sĩ ưu tú trưởng thành từ cái nôi Trung đoàn Quang Trung - Cù Chính Lan anh hùng.
Dẫn tôi tham quan Phòng truyền thống Trung đoàn, anh Thuyết và Đại úy Hồ Hải Nam, Trợ lý Tổ chức Trung đoàn không giấu được xúc động mỗi khi đến trước những bức hình, hiện vật gắn liền với Chính ủy Lê Khả Phiêu. Ở vị trí trang trọng nhất Phòng truyền thống là chân dung các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn qua các thời kỳ. Ở hàng đầu, lần lượt là đồng chí Nguyễn Cao Ủy, Trần Văn Khâm rồi đến Chính ủy Lê Khả Phiêu giai đoạn 2/1963-7/1968 và nhiều đồng chí với tâm huyết, tài năng của mình đã vun đắp nên truyền thống lẫy lừng của Trung đoàn.
Chỉ vào bức hình đen trắng, anh Thuyết giới thiệu: “Đây là bức ảnh bác Phiêu trao Cờ giải phóng cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Đặng Huy Mịch trong lễ xuất quân tiến công giải phóng Huế, Tết Mậu Thân 1968”. Nguồn động viên to lớn ấy của Chính ủy Trung đoàn và khí thế "Cả miền Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy", đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cùng với quân và dân mặt trận Huế giải phóng và giữ vững thành phố Huế trong suốt 25 ngày đêm. Trong đó, nổi bật là chiến công của Tiểu đoàn 1 cắm cờ trên nóc dinh Tỉnh trưởng, giải phóng nhà lao Thừa Phủ, giải thoát cho 2.200 tù chính trị; Tiểu đoàn 2 với chiến thắng Phước Quả, diệt và bắt 500 tên ác ôn khét tiếng; Tiểu đoàn 3 đánh địch phản kích ở Bôn Trì - La Chữ... Tổng kết chiến dịch này, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên kết luận, Trung đoàn đạt bốn nhất: Hành quân nhanh gọn nhất; Chiến đấu có hiệu suất cao nhất; Chấp hành mệnh lệnh, chấp hành chính sách nghiêm nhất; Kỷ luật dân vận tốt nhất.
Ngày 23/9/2007, Trung đoàn tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập trong niềm tự hào lớn lao khi đơn vị vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về dự, phát biểu chúc mừng và trao tặng Bức trướng mang dòng chữ “Kiên cường, bền bỉ vượt mọi gian nguy thời chiến, thời bình sáng ngời truyền thống”. Đến nay, Bức trướng được treo trang trọng cạnh ảnh chân dung vị Chính ủy đáng kính. Và còn rất nhiều hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp gỡ trao đổi, trò chuyện, tâm sự với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn trong các lần về thăm Trung đoàn. Trong các lần ấy, đồng chí dặn dò rất nhiều điều với cán bộ, chiến sĩ, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải phát huy truyền thống hào hùng của Trung đoàn, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Những lời dặn dò ấy được đúc kết súc tích, cô đọng trong bút tích của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn, mở đầu cuốn Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 9 Sư đoàn 968 được tái bản năm 2017:
“… Trung đoàn 9 là một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Từ khi mới thành lập năm 1947 đến năm 1949, Trung đoàn là lực lượng chủ lực cơ động thuộc Quân khu 4 (Liên khu 4), tiếp đó Trung đoàn thuộc Sư đoàn 304, Quân khu Trị Thiên – Huế, Sư đoàn 968… Trong chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, Trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Lê Lợi, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên phủ, Nam Lào, Mặt trận Trị Thiên Huế, Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và là một trong những Trung đoàn thiện chiến với nhiều chiến công oanh liệt của các sư đoàn chủ lực mạnh của Quân đội ta.
Sáu mươi năm rèn luyện thử thách trong chiến đấu, xây dựng và công cuộc đổi mới đất nước, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 đã luôn nêu cao truyền thống “Tự lực, tự cường, luyện hay đánh giỏi, quyết chiến, quyết thắng, Bạn mến, dân tin”, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Cuốn lịch sử Trung đoàn Bộ binh 9, Sư đoàn 968 đã tái hiện chân thực, sinh động lịch sử hơn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đơn vị, góp phần giáo dục truyền thống và kinh nghiệm cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 968, Quân khu 4 và cho toàn quân…”
Với những đóng góp to lớn của các bậc tiền bối, Trung đoàn đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 9 có 4 tập thể, 2 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nhiều đơn vị, cá nhân được Đảng, Nhà nước ta và nước Bạn Lào tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các loại.
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ trong “ngôi nhà” xưa của Chính ủy Lê Khả Phiêu không khỏi tiếc thương, ngậm ngùi, ai cũng dành những nén tâm nhang kính dâng lên nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người thủ trưởng đơn vị đáng kính, không ai bảo ai, mọi người tự hứa với lòng mình, biến niềm tiếc thương vô hạn thành hành động, khắc ghi lời dạy của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quyết tâm huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng Trung đoàn vững mạnh toàn diện như lúc sinh thời bác Phiêu hằng mong muốn, xứng đáng với những cống hiến, công lao to lớn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với đất nước, với Quân đội, Quân khu và với Trung đoàn 9 anh hùng.
Bài, ảnh: MINH NGỌC
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận