Thứ năm, 28/03/2024 - 23:45
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Cục Chính trị Quân khu 4 (16/12/1945 - 16/12/2020))

Cục Chính trị Quân khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập, đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Ở miền Nam, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với chiêu bài giải giáp quân Nhật, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo theo bọn tay sai, phản động tràn vào miền Bắc, ra sức chống phá cách mạng nước ta. Cùng với đó là nạn đói khủng khiếp và nạn dốt do hậu quả của nhiều năm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến gây ra.

Học viên tốt nghiệp lớp đào tạo Chính trị viên cấp Đại đội đầu tiên của Liên khu 4, năm 1951.
Ảnh: TƯ LIỆU

Để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo hoạt động tác chiến trên từng hướng chiến lược, ngày 15 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 4. Sau một thời gian ngắn làm công tác chuẩn bị, ngày 16/12/1945, cùng với Bộ Chỉ huy và các cơ quan Chiến khu, Phòng Chính trị được thành lập, đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng phòng và một số cán bộ, nhân viên được điều động về từ các địa phương và các chi đội giải phóng quân.

Thời gian đầu, do còn mới mẻ vì thế hoạt động công tác chính trị chưa đầy đủ. Công tác chính trị lúc này chủ yếu tập trung tuyên truyền, củng cố, cổ vũ tinh thần thi đua học tập chính trị, rèn luyện quân sự, tinh thần tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho bộ đội và Nhân dân. Sự chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Chính trị cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị ở các trung đoàn, các tỉnh đội chưa nhiều.

Từ tháng 2 năm 1947, sau Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (từ 14 - 16/02/1947), Phòng Chính trị Chiến khu được kiện toàn lại gồm có 5 ban: Văn thư, Tuyên huấn, Địch vận, Ban Công tác chính trị trung đoàn, Ban Công tác chính trị đại đội.

Cuối năm 1947, sau khi được Đoàn kiểm tra của Trung ương chỉ ra những khuyết điểm cần phải được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời như: tình trạng địa phương chủ nghĩa, nội bộ chưa đoàn kết, thiếu sự chỉ đạo thống nhất và tư tưởng chủ quan, thiếu tích cực của một số cán bộ trong lực lượng vũ trang Khu 4. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính trị ủy viên và Bộ Chỉ huy Khu, Phòng Chính trị đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức sinh hoạt kiểm điểm sâu kỹ, bàn biện pháp triệt để khắc phục các khuyết điểm đã được Đoàn kiểm tra của Trung ương chỉ ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần đoàn kết, quyết tâm trường kỳ kháng chiến, ý thức chấp hành 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật cho cán bộ, đội viên, chiến sỹ. Chỉ đạo từng bước thành lập Hội đồng binh sỹ (Hội đồng quân nhân ngày nay) ở cấp đại đội để phát huy dân chủ của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị; thành lập các tổ đoàn kết (tổ ba người) để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong chiến đấu, học tập, công tác. Hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đội viên, chiến sỹ xây dựng kế hoạch, đăng ký thi đua học tập chính trị, huấn luyện quân sự, chiến đấu, công tác; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, báo chí, văn hóa văn nghệ trong “luyện quân, lập công”, qua đó để cổ vũ, động viên, nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện, tinh thần kháng chiến cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân.

Thời kỳ này, ở Khu 4, nhất là vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Phòng Chính trị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Khu, phối hợp với chính quyền kháng chiến các địa phương tuyên truyền, vận động, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức tham gia kháng chiến. Phòng Chính trị đã xây dựng được các đội kịch, đội chèo, tòa báo, tổ in. Cùng với các đơn vị, địa phương phát hành các báo “Cứu quốc”, “Kháng địch”, “Tiền tuyến”, “Tập san kỹ nghệ”, “Chiến sỹ vệ quốc”..., thành lập các lớp dạy văn hóa, tổ chức các chương trình văn nghệ phục vụ bộ đội và Nhân dân. Khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã trở thành “cái nôi” của văn nghệ kháng chiến trong cả nước.

Ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 307/SL đổi tên các khu thành Liên khu, theo đó Khu 4 được đổi thành Liên khu 4. Tháng 4/1948, Phòng Chính trị Liên khu được kiện toàn tổ chức đầy đủ hơn, theo Nghị quyết Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất và Nghị quyết Hội nghị quân sự, chính trị Liên khu, gồm có 6 ban: Văn thư, Địch vận, Huấn luyện, Tuyên truyền, Báo chí, Văn nghệ.

Năm 1952, Phòng chính trị Liên khu 4 lựa chọn 100 em thiếu sinh quân đưa ra Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn học tập.
Ảnh: TƯ LIỆU

Hội nghị cán bộ Quân đội Liên khu 4 mở rộng ngày 21/5/1949, đã tập trung quán triệt sâu kỹ hơn các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng Chính ủy, Tổng cục Chính trị về tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, nhiệm vụ công tác chính trị. Hội nghị quyết định giải tán Phòng Chính ủy, sáp nhập vào Phòng Chính trị, theo đó một số cơ quan chuyên môn phụ trách công tác đảng cũng được sát nhập vào Phòng Chính trị. Hoạt động tham mưu, chỉ đạo của Phòng Chính trị ngày càng được toàn diện hơn. Đặc biệt là từ năm 1949, Phòng Chính trị Liên khu đã phối hợp tham mưu cho Quân khu ủy mở cuộc vận động xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang, trọng tâm là đẩy mạnh củng cố, phát triển tổ chức, lực lượng, mở rộng ảnh hưởng của Đảng, từng bước đưa tổ chức Đảng trong bộ đội ra hoạt động công khai. Phòng tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng “chi bộ chiến lũy”, “chi bộ cốt thép”, “đảng viên cốt thép”, trong đó lấy Chi bộ 87, Trung đoàn 9, làm tiêu chuẩn, mở cuộc vận động nhân rộng điển hình tiên tiến trong xây dựng chi bộ, gọi tắt là “Cuộc vận động 87” trong các chi bộ lực lượng vũ trang Liên khu.

Đến tháng 9 năm 1950, thực hiện Nghị quyết Đại hội Quân chính Liên khu 4, tổ chức Phòng Chính trị Liên khu gồm có: Trưởng phòng, Phó phòng và các ban: Tuyên huấn, Cán bộ, Địch vận và Tổ Quản trị. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chuyển mạnh sang giai đoạn mới - Tổng phản công. Bình Trị Thiên - Trung Lào trở thành một chiến trường thống nhất. Tại Bình Trị Thiên, ta chủ trương tổ chức các tiểu đoàn, đại đội độc lập tiến sâu về đồng bằng. Trên mặt trận Trung Lào, ta kiện toàn, phát triển tổ chức, lực lượng, thành lập Trung đoàn Trung Lào. Bám sát tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Liên khu, Phòng Chính trị Liên khu tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động công tác chính trị, trọng tâm là: Tuyên truyền, giáo dục làm cho các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân nắm vững tình hình, nhiệm vụ cách mạng, phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến đánh địch trên chiến trường Bình Trị Thiên - Trung Lào; tiếp tục củng cố vững chắc hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho Bình Trị Thiên - Trung Lào, vừa tạo hướng chiến lược gây áp lực với chiến trường Bắc Bộ.

Từ năm 1952, đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường của Liên khu ngày càng mở rộng, từ Bình Trị Thiên đến Trung - Hạ Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Trung ương Quân ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu, lực lượng vũ trang Liên khu có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, Phòng Chính trị Liên khu 4 tiếp tục nhiều lần được kiện toàn, củng cố tổ chức, biên chế và có bước trưởng thành vượt bậc. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Phòng Chính trị, các ban, các đơn vị trực thuộc thường xuyên được củng cố, bổ sung đầy đủ; được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn học tập, chiến đấu, công tác nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, các hoạt động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, nền nếp hơn. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Liên khu; đoàn kết phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các tỉnh trong Liên khu; cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng và Nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi trên chiến trường Bình Thị Thiên - Trung Lào; động viên cao nhất, sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

BÁO QUÂN KHU BỐN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội