Một số loại thực phẩm cải thiện sức khỏe cơ thể và bồi bổ cho chức năng hô hấp của lá phổi
Theo Bộ y tế, dinh dưỡng phù hợp không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cơ thể toàn diện mà còn bồi bổ cho chức năng hô hấp của lá phổi. Cách phòng chống virus Corona tốt nhất là nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Dinh dưỡng đóng một vai trò không nhỏ trong việc phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đó là giải pháp nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, giải pháp này giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Một trong những nguyên tắc của chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao miễn dịch phòng bệnh là ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm: Gluxit, Protid, Lipid, Vitamin và Muối khoáng. Mỗi ngày ăn khoảng 15 – 20 loại thực phẩm thì cơ thể sẽ được bổ sung dinh dưỡng phù hợp giúp cải thiện sức khỏe cơ thể toàn diện và bồi bổ cho chức năng hô hấp của lá phổi.
Các chuyên gia đã nghiên cứu và xác định một số loại thực phẩm sau đây có khả năng bảo vệ lá phổi hiệu quả nhất.
Các thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao như:
Quả ổi
Đứng số một trong danh sách giàu vitamin C chính là quả ổi, chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam. Ổi cũng giàu lượng vitamin A, axít folic và các chất khoáng: kali, đồng, mangan. Ổi cũng là thức ăn tốt vì chứa nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol và muối natri. Lượng vitamin C trong quả ổi khoảng 200mg cho 100g ổi.
Ớt Đà Lạt
Ớt Đà Lạt, đặc biệt là loại màu đỏ, là quả giàu chất vitamin C và lượng cao chất chống oxy hóa. Đối với loại ớt màu đỏ thì lượng vitamin C khoảng 140mg cho mỗi 100g, loại ớt màu xanh thì khoảng 80mg vitamin C cho mỗi 100g. Khi nấu lượng vitamin C sẽ giảm thấp hơn. Đây là loại thực phẩm có lượng calo thấp và nguồn cung cấp dồi dào vitamin B6, sắt và kali.
Bông cải xanh
Bông cải thật sự là loại “siêu” thực phẩm hỗ trợ cho hệ miễn dịch và giúp chống lại ung thư. Nó chứa lượng vitamin C khoảng 89mg cho 100g bông cải, ngoài ra bông cải xanh cũng giàu beta-carotene, carotenoid, vitamin B (gồm cả folate), canxi, kẽm và chất xơ. Bông cải xanh nên được luộc hoặc hấp để giữ lại lượng vitamin, nếu không thì có thể làm mất đi các thành phần hiệu quả cho sức khỏe.
Quả dâu tây
Quả dâu tây chứa rất nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, nó chứa lượng vitamin C khiêm tốn vào khoảng 80mg cho 100g quả dâu tây. Bạn có biết tại sao quả dâu tây là một loại trái cây duy nhất mang các hạt ở bên ngoài? Chắc mọi người đồng thuận lý do này: dâu tây không phải là một loại quả mọng thật sự bởi trái cây quả mọng sẽ mang hạt ở bên trong. Quả dâu tây nên được ăn sống thì giá trị chất chống oxy cao nhất cùng với lượng vitamin C giữ lâu dài.
Đu đủ
Quả đu đủ được mọi người quen thuộc, nó chứa lượng vitamin C khoảng 62mg cho 100g. Nó cũng là một loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene và flavonoid, vitamin A và folat. Đu đủ được cho là giảm nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư cổ tử cung. Trái cây vùng nhiệt đới này cũng chứa men papain, một loại men rất tốt cho đường tiêu hóa và hỗ trợ cho hệ thống men khác hấp thu tối đa thực phẩm ăn vào cơ thể.
Quả cam
Thật ngạc nhiên khi quả cam chỉ đứng thứ 9 về mức độ giàu vitamin C mà thôi. Quả cam cùng với các loại quả nhóm cam quýt khác được biết là nguồn cung cấp dồi giàu vitamin C, đây được gọi là “trái cây mùa đông” vì nó là vũ khí lợi hại chống lại cảm cúm mùa lạnh. Vitamin C trong cam vào khoảng 50mg cho 100g, được biết là giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, qua đó làm giảm nguy cơ ung thư. Trái cây họ cam quýt cũng cải thiện tuần hoàn máu, giảm thấp lượng cholesterol. Cũng nên nhớ là hiệu quả tốt hơn khi ăn trái cây so với chỉ uống nước ép.
Súp lơ
Hoa cải hay súp lơ tùy thuộc vào họ, nó cũng giống như bông cải xanh và cải Brussels. Nó chứa lượng vitamin C khoảng 46mg cho mỗi 100g. Súp lơ cũng chứa một vài hoạt chất chống ung thư, vitamin B (bao gồm cả folat) và vitamin K. Cũng giống như bông cải xanh và cải Brussels, cách tốt nhất để chế biến là luộc và hấp, nấu kỹ quá có thể làm mất đi chất dinh dưỡng.
Gừng
Đây là gia vị và cũng là vị thuốc có tác dụng giảm viêm, đào thải độc tố và thúc đẩy cơ thể loại bỏ chất ô nhiễm từ phổi ra ngoài. Gừng cũng giúp giảm tắc nghẽn phổi để cho quá trình hô hấp được lưu thông tốt nhất.
Tỏi
Trong tỏi có chứa hoạt chất flavonoid giúp loại bỏ chất gây ung thư và độc tố ra khỏi phổi. Theo nghiên cứu cho thấy, người ăn 6 tép tỏi/ tuần có lá phổi hoạt động tốt hơn và ít nguy cơ mắc ung thư phổi.
Cà phê
Chất caffeine có tác dụng như một loại thuốc giãn phế quản giúp đường khí được lưu thông tốt nhất, cải thiện các triệu chứng hen suyễn. Mỗi tách cà phê vào buổi sáng sẽ giúp bạn cải thiện chức năng hô hấp hiệu quả.
Trà xanh
Trong trà có chất chống oxy hóa rất tốt giúp giảm viêm và làm chậm quá trình giải phóng chất histamin giúp chống lại quá trình dị ứng, viêm nhiễm.
Trái cây và rau củ màu cam
Không chỉ chứa nhiều vitamin C, các loại quả như bí ngô, cam, cà rốt, đu đủ… còn có khả năng giảm viêm và chống nhiễm trùng đường hô hấp rất tốt.
Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì, óc chó có chứa nhiều chất dinh dưỡng và có khả năng chống oxy hóa cho cơ thể. Tuy nhiên không nên ăn các loại bánh nướng, bánh mì trắng vì chúng làm tăng lượng carbon dioxide và gây áp lực cho phổi.
Các loại hạt
Hạt hướng dương, hạt lanh… có chứa nhiều magie và khoáng chất thiết yếu rất tốt cho người mắc bệnh hen phế quản.
Nghệ
Hoạt chất curcumin trong nghệ có khả năng ngăn ngừa ung thư rất tốt. Người bệnh có thể bổ sung thêm nghệ vào làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
Táo
Với câu hỏi ăn gì bổ phổi thì không thể bỏ qua quả táo. Loại quả này có chứa nhiều vitamin B,C, E và hoạt chất flavonoid giúp chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa ung thư phát triển.
Hành
Với những người hút thuốc, ăn hành có thể giúp khử độc tố trong phổi. Do đó, loại thực phẩm này rất tốt để bồi bổ phổi.
Lựu
Trong quả lựu có các hoạt chất chống oxy hóa và ngăn ngừa sự hình thành các khối u tại phổi.
Cá hồi
Đây là loại cá có nhiều acid béo Omega 3 giúp chống lại các vi khuẩn gây bệnh phổi hiệu quả. Ngoài cá hồi thì bạn cũng có thể thêm vào thực đơn các món ăn từ cá mòi, cá trích, cá thu…
Nho
Nho cũng là loại quả có chứa chất flavonoid và nhiều vitamin khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường chức năng phổi. Ăn nho thường xuyên cũng là cách giúp làm sạch lá phổi và đào thải độc tố.
Nước tinh khiết
Mỗi ngày uống đủ nước cũng là cách giúp bảo vệ phổi hiệu quả. Cơ thể chúng ta 70% là nước do đó việc cung cấp nước thường xuyên giúp tăng khả năng lưu thông của máu và loại bỏ độc tố cho lá phổi khỏe mạnh.
Sữa chua
Hãy dùng các loại sữa chua có các lợi khuẩn được ghi trên nhãn mác vì những lợi khuẩn này giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Tránh các loại sữa chua có nhiều đường. Sữa chua cũng chính là nguồn vitamin D, cũng chính là chất kích hoạt hiệu quả cho một hệ miễn dịch hoàn hảo.
Ngoài ra, nên bổ sung thêm kẽm từ thịt bò, cua, sò, hàu, tôm hùm...
Việc ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là cần thiết cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, một chế độ ăn phong phú và đa dạng mới chính là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy cần kết hợp các loại thực phẩm kể trên cùng với các nguồn thực phẩm thông thường khác trong chế độ ăn hàng ngày, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao và uống nhiều nước để đảm bảo sức khỏe.
THÀNH VINH (Tổng hợp)
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận