A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhút mít Hương Sơn "tiếp sức" chống dịch

Năm nay mít ở vùng núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) được mùa. Trong làn gió Tây Nam, hương mít chín từ những nhà vườn bên sông Ngàn Phố theo sông nước, gió trời, tỏa lan ngào ngạt, làm cho mùa hè ở vùng quê nông thôn mới thêm sắc hương no ấm, phồn vinh. Trong khung cảnh ấy, bà con các vùng quê Hương Sơn đã cùng nhau chế biến món ăn dân dã quê hương, gửi tặng đồng bào miền Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19…

Gửi nghĩa tình vào đặc sản quê hương

Cuối tháng Hai âm lịch, vào tiết Thanh minh, tôi có chuyến công tác ra Bắc, tranh thủ về quê thăm cha mẹ già vài ngày. Đi thăm bà con làng xóm, thấy nhà nào nhà nấy mít non tua tủa đơm trái đầy cành. Chị Đặng Thị Bích Nhung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã Sơn Trà nói vui:

- Vài tháng nữa vào mùa làm nhút. Nếu anh về được, bà con đóng hàng, gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh một vài thùng làm quà. Ngày xưa nhút mít là thức ăn dự trữ của dân nghèo, nay được nâng cấp nghệ thuật chế biến, trở thành một đặc sản ẩm thực của các vùng quê dưới chân núi Mồng Gà.

Tôi hứa với bà con sẽ trở lại thăm quê đúng mùa làm nhút. Thế rồi đại dịch Covid-19 bùng phát làm lỡ hết mọi kế hoạch. Những ngày này tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, nhà nhà, người người phải cách ly xã hội để phòng, chống dịch. Trong tiết trời mưa gió ẩm ương, bên mâm cơm gia đình thời Covid-19, bỗng dậy lên cơn thèm hương vị nhút.

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Tác giả bên gốc mít trĩu quả dưới chân núi Mồng Gà (chụp tháng 3 - 2021).
Ảnh: PHAN THẾ HIỂN.

 

Người Hương Sơn chế biến món nhút từ nguyên liệu chính là mít. Người ta lấy trái mít xanh sắp đến tuổi chín, gọt vỏ, xử lý nhựa rồi dùng dao bén băm, cắt xung quanh. Băm, cắt đến đâu, tách hạt ra đến đó rồi ngâm nguyên liệu vào nước muối pha loãng để giữ màu sắc, hương vị. Rau mít sau khi sơ chế có màu trắng vàng, trộn với các loại gia vị theo bí quyết gia truyền rồi cho vào hũ, muối như muối dưa. Sau khoảng 1 tuần, sẽ cho thành phẩm. Nhút dậy mùi thơm mát dịu, vị chua, cay, mặn, ngọt… hấp dẫn. Nhút xào với nước chấm cua đồng là món ăn dân dã. Về Hương Sơn, vào bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng không thể thiếu các món từ nhút. Những ngày mưa gió trên đất phương Nam, làm một nồi nhút om cá đồng, nhút xào nhộng tằm hay nhút nấu lòng bò, nhút xào thịt trâu..., nhâm nhi cùng bạn hiền kể chuyện đất tổ quê cha một thời gian khó, thực ấm lòng lắm lắm!

Nỗi nhớ mùa nhút đang lên thì tôi nhận được điện thoại của chị Lê Thị Thanh Mai, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Trà, gọi qua mạng zalo: “Hai ngày qua bà con tập trung làm nhút, giờ đã đóng gói xong xuôi. Hàng vào đến nơi sẽ chuyển biếu anh vài hũ”.

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
 Bà con xã Sơn Trà quây quần làm nhút. 
Ảnh: BÍCH NHUNG

 

Chị Mai livestream cho tôi xem những hình ảnh thật ấm áp nghĩa tình. Nhút được đựng trong các bình nhựa loại 3-5 lít, xếp chồng cao ngất. Cùng với đó là rất nhiều loại hàng nông sản, như: Gạo, nếp, đậu, lạc, bầu, bí, khoai, chuối xanh… do bà con trong xã gom góp, đóng gói, tập kết lên UBMTTQ huyện để chuyển vào miền Nam. Riêng xã Sơn Trà, chỉ trong một ngày, lượng hàng huy động đã hơn 1,5 tấn. Của cho không bằng cách cho. Bà con lựa những buồng chuối đẹp nhất, bao lạc, đậu chắc nhất, những quả mít tròn căng nhất để chế biến nhút làm quà cho miền Nam ruột thịt. Dưới sự vận động, tổ chức của lãnh đạo xã, những gia đình có bí quyết làm nhút ngon nhất được huy động làm hàng. Bà con tập trung ở từng thôn, làm suốt ngày đêm cho kịp để vận chuyển vào Nam. Bầu không khí của tình nghĩa đồng bào lúc hoạn nạn, khó khăn thật đáng trân quý. Tôi cảm động nói với chị Mai, chỉ xin một hũ nhút nhỏ, còn thì dành cho những người hoàn cảnh khó khăn…

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm. 
Ảnh: BÍCH NHUNG.

 

 

Gọi điện về cho anh Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBMTTQ huyện Hương Sơn, giọng anh Đồng mừng vui, cảm động thông báo, phong trào hướng về miền Nam ruột thịt được bà con khắp các vùng quê đôi bờ sông Ngàn Phố hưởng ứng nhiệt thành. Nghĩa tình gói ghém vào đặc sản quê hương. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Hội đồng hương huyện Hương Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lên kế hoạch vận chuyển, tiếp nhận, cấp phát cho các địa chỉ.

Anh Nguyễn Phi Dần, Chủ tịch Hội đồng hương Hương Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Hội đang phối hợp với UBMTTQ các địa phương, quận, huyện để kịp thời chuyển đến tận tay bà con hoàn cảnh khó khăn và lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Phải làm nhanh, làm cẩn thận, tránh để hàng hóa hư hỏng…

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Người dân Hương Sơn đem hàng hóa đến điểm tập kết. 
Ảnh: THANH MAI.

Hoạn nạn đi qua, ân tình còn mãi

Mới đó mà đã hơn một năm!

Mùa hè năm ngoái, núi Mồng Gà quê tôi xảy ra trận đại hỏa hoạn. “Hỏa diệm sơn” thiêu rụi những cánh rừng, biến dãy núi linh thiêng, huyền thoại thành “hòn than” khổng lồ, khiến bất cứ ai về Hương Sơn cũng bùi ngùi, xót xa.

Chẳng biết thiên nhiên hữu ý hay tạo hóa ngẫu nhiên, nhưng kể từ trận cháy rừng khủng khiếp mùa hè năm ngoái, trời bù đắp cho đất Hương Sơn phong điều, vũ thuận. Năm nay, bà con vừa trúng vụ lúa và hoa màu, nhà vườn lại rộ mùa cây trái, nhiều nhất là mít.

Trong lần về quê hồi tháng Hai âm lịch, anh Nguyễn Thành Đồng dẫn chúng tôi ngược dòng Ngàn Phố dọc Quốc lộ 8A đi tham quan các mô hình nhà vườn nông thôn mới ở các xã Sơn Phú, Sơn Bằng… Những vườn cây trái biếc xanh mênh mông, dọc các con đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ. Đường quê bây giờ cũng kẻ vạch, biển báo, đêm cũng sáng trưng ánh đèn cao áp, chả khác gì đô thị. Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, chả mấy năm nữa, nơi tuổi thơ tôi mò cua, bắt ốc, bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm “ma trơi” dọa đám gái làng, lại trở thành phường, khu phố hay thị trấn, thị tứ…

Anh Đồng bảo, cùng với cam bù, kẹo Cu đơ, trà xanh Tây Sơn, giò bột, dê thui ná, nước chấm cua đồng, nhút mít đang được lập đề án phát triển theo hướng văn hóa ẩm thực, đặc sản của vùng đất Hương Sơn để có thể kích cầu du lịch, trở thành mặt hàng mang lại nguồn lợi kinh tế cao. “Ai về Hương Sơn qua cầu Linh Cảm/ Vị nhút ngọt đằm hương vị tình thân…” - anh Đồng đọc hai câu ca dao của người quê, lạc quan về hướng phát triển du lịch ẩm thực Hương Sơn.

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Thành phẩm nhút Hương Sơn. 
Ảnh: QUỲNH HOA.

 

 

Núi Mồng Gà đã xanh trở lại. Trước đợt nắng nóng của mùa hè năm nay, địa phương đã tổ chức lực lượng làm đường băng ngăn lửa, đề phòng hỏa hoạn. Màu xanh của núi rừng mang thông điệp sinh sôi. Nhiều thứ củ, quả… được bà con thu hoạch, gửi vào miền Nam hỗ trợ chống dịch hôm nay, được gieo trồng trên chính mảnh đất bên chân núi, nơi đám tro tàn của trận cháy rừng khủng khiếp hôm nào. Qua hoạn nạn, khó khăn, nhịp sống lại rộn vang thanh âm sinh sôi, tình nghĩa…

Thế hệ những người sinh ra, lớn lên trong thời bao cấp ở làng, ai cũng quen với hình ảnh hũ cà, vại nhút trong nhà. Đời sống nhà nông khó khăn, người ta phải muối cà, muối nhút làm nguồn thức ăn dự trữ quanh năm. Tuổi thơ tôi những mùa lụt lội, từng chứng kiến ông bà, chú bác, khi lũ vào nhà có thể bỏ nhiều thứ, nhưng không thể bỏ hũ cà, vại nhút gánh gồng lên núi chạy lũ. Núi che bão, ngăn giông. Núi là ngôi nhà chung cho bà con những mùa chạy lụt. Các thế hệ con người từ chân núi sinh ra, uống nước khe suối, ăn sắn khoai trồng trên núi mà lớn lên, tựa dáng núi mà trưởng thành, ngóng đỉnh núi mà nuôi đạo học… Sống nhờ núi, thác về lòng núi!...

Đã bao năm rồi, khi quê tôi gặp thiên tai, lũ lụt, hàng ngàn gia đình đói ăn, thiếu mặc, luôn được đồng bào miền Nam mở rộng vòng tay nhân ái, sẻ chia. Hàng cứu trợ từ miền Nam gửi ra. Những đoàn người, xe từ miền Nam tìm về. Từ cơm ăn, áo mặc, từ trang giấy học đường đến tấm tôn lợp nhà, từ cụ già đến trẻ thơ… ai ai, đâu đâu cũng mang nặng ân nghĩa đồng bào miền Nam…

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Quân và dân Hương Sơn vận chuyển hàng lên xe. 
Ảnh: THÀNH ĐỒNG 

 

Nay, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam đang bước vào cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch Covid-19. Trong lòng miền Nam ruột thịt cũng đang có hàng vạn con em có gốc gác từ các làng quê bên bờ sông Ngàn Phố, dưới chân núi Mồng Gà. Trong hơn 90 tấn hàng gói ghém thương yêu chuyển vào miền Nam đợt này, có cả làn trong veo của nước sông Ngàn Phố, có vị ngọt đằm của mít Hương Sơn, có hương thơm ngát của kẹo Cu đơ bên vị trà thơm Tây Sơn, Nước Sốt… Và cao hơn cả, đáng trân quý hơn cả, đó là ân nghĩa đồng bào và niềm tin tất thắng!

Nghĩa tình ngọt đằm vị nhút
Những chuyến xe chuyển bánh ngay trong đêm 20-7 hướng về miền Nam thân yêu. 
Ảnh: THÀNH ĐỒNG.

Những chuyến xe chở hàng hỗ trợ đồng bào miền Nam đã bắt đầu lăn bánh. Bà con lại sẵn sàng tiếp tục cho những chuyến hàng tiếp theo hướng về miền Nam ruột thịt…

Sau 3 ngày phát động, đến tối ngày 20-7, UBMTTQ huyện Hương Sơn đã tiếp nhận tiền và hàng hóa, trị giá hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19, gồm: Hơn 250 triệu tiền mặt, hơn 152 tấn hàng hóa, tổng trị giá hơn 1,35 tỷ đồng (53,2 tấn gạo, 69 tấn rau, củ, quả… hơn 2 tấn lạc, đậu, 1.200 quả trứng gia cầm, 1.100 hũ nhút…). Các chuyến xe chở hàng đã bắt đầu lăn bánh… (nguồn: UBMTTQ huyện Hương Sơn) 

PTS


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội