Quê hương ngày trở về...
Vượt quãng đường hơn 1.000 km, những người con Quảng Bình xa quê nay đã được trở về trên chuyến bay hỗ trợ của tỉnh nhà. Trên sân bay ngày nắng, đã có những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Trở về sau những ngày chật vật với dịch bệnh Covid-19, hai tiếng “quê hương” trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết!
“Mấy đêm không ngủ vì vui”
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) mùa dịch vắng lặng hơn ngày thường. Sáng 22/8/2021, Tân Sơn Nhất đón những vị khách đặc biệt. Họ là những người con Quảng Bình đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tỉnh Quảng Bình hỗ trợ về quê tránh dịch.
Trong đó, chủ yếu là phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Dù đang khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ kín mít, họ vẫn không giấu được niềm vui được trở về nhà.
Với những người phụ nữ đang mang thai có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lúc này, những ngày qua là chuỗi thời gian đầy lo lắng khi ngày sinh nở đang cận kề mà dịch bệnh Covid-19 lại bủa vây.
Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Nai, bỗng một ngày, dịch bệnh Covid-19 tràn qua khiến cuộc sống của chị Trần Thị Hiền, quê xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) bị đảo lộn và đầy khó khăn, nhất là khi chị đang ở những tháng cuối thai kỳ. “Những ngày trước, cứ nghĩ mà lo khi dịch thế này, sinh đẻ lấy ai chăm sóc khi bố mẹ ở quê, chồng thì đang công tác ở Đà Nẵng. Không nhớ được có bao nhiêu cuộc gọi từ gia đình vì lo tôi một thân, một mình ở đây. Những ngày qua, tôi chỉ có một ước mong duy nhất là được về quê sinh con. Nên hai hôm nay, khi biết mình may mắn được tỉnh đón về quê, tôi mừng không sao ngủ được”, chị Hiền xúc động chia sẻ.
“Vợ con em được về quê rồi…” - anh Hiếu, vui mừng nói như hét trong điện thoại. Vợ chồng anh Hiếu và chị Hoàng Thị Hải, quê ở Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) hiện đang sống tại TX. Tân Uyên (Bình Dương).
Dịch quét qua, hàng loạt nhà máy ở khu vực này đóng cửa. Hàng chục nghìn công nhân mất việc, trong đó có chị Hải. Cuộc sống ly hương vốn chẳng dễ dàng nay càng thêm vất vả khi chị đang mang thai tuần thứ 30.
“Em là thợ hồ, công việc thất thường. Vợ em mất việc hai tháng nay. Hai vợ chồng cầm cự rau cháo qua ngày nhờ tháng lương tối thiểu của vợ. Nghĩ không biết làm răng để đưa vợ về quê sinh đẻ cho an toàn, không ngờ trúng suất vé về quê lúc này vui không nói nên lời. Muốn cảm ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, dù đang khó khăn cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ con em xa quê trở về”, anh Hiếu xúc động khoe.
Chị Lê Thị Hồng Nhung, mang thai 31 tuần, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh, bị mắc kẹt ba tháng nay tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong một lần về thăm người thân. Chị cho biết, quê chị ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch), nhiều năm nay, chị vào TP. Hồ Chí Minh để giúp việc nhà rồi lập gia đình. Chồng chị làm nghề lái xe múc bị mất việc nhiều tháng nay vì dịch Covid-19 nên cả hai chi tiêu tằn tiện để dành chút tiền sinh con. “Nhờ may mắn nên vợ chồng em mới có hai suất vé để cùng về quê lúc này”, chị vui mừng nói.
Sau những ngày lo toan vì dịch bệnh khiến những cuộc mưu sinh chẳng còn yên bình, hôm nay, những người phụ nữ này được trở về với quê hương. Máy bay cất cánh. Thành phố Hồ Chí Minh - nơi dung dưỡng bao phận người xa xứ - dần lùi lại phía sau. Họ trở về và hẹn một ngày sẽ quay lại nơi này khi cuộc sống đã yên bình.
“Đi xa nhớ về, khổ đau càng muốn về”
12 giờ 10 phút, chuyến bay mang số hiệu QH9206 hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. 182 hành khách đặc biệt trong những bộ đồ bảo hộ kín mít bước xuống sân bay quê hương. Có lẽ đó sẽ là chuyến hồi hương đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của những người mẹ, người vợ và cả những đứa trẻ này.
Giữa nắng trưa và gió Lào bỏng rát, những đứa bé vẫn ngủ ngon lành trên cánh tay những người mẹ trẻ. Những giấc ngủ yên bình sau một chuyến đi dài nhiều cảm xúc.
Bồng trên tay đứa bé vừa tròn 5 tháng tuổi, chị Bùi Thị Luận quê ở Quảng Trung (TX. Ba Đồn) hiện đang sinh sống tại Thuận An (Bình Dương) chia sẻ: “Đường xa, lại một mình ôm con trở về, vất vả lắm. Nhưng được về quê là mừng lắm rồi. Mấy ngày trước, cứ ngóng được về nhưng không biết làm răng? Dịch càng phức tạp, càng muốn về hơn nữa. Chừ thì hai mẹ con đã tạm yên tâm”.
Trong chiều 22/8, chuyến bay thứ 2 mang số hiệu QH9208 cũng hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng chức năng tỉnh nhà. Với những hành khách đặc biệt này, niềm mơ ước được trở về quê hương trong những ngày khó khăn nhất của cuộc mưu sinh đã trở thành sự thật.
Chị Hà Thị Hồng Thủy, quê ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) hiện đang làm việc tại Dĩ An (Bình Dương) xúc động nói: “Tôi thấy mình thật may mắn. Mấy hôm trước, tôi vừa nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh gửi vào. Niềm vui càng nhân lên khi tiếp tục nhận được vé về quê trong đợt này cùng con trai vừa tròn 6 tháng tuổi. Mừng rơi nước mắt! Thực sự cảm ơn sự quan tâm của tỉnh nhà đối với những đứa con xa quê như chúng tôi”.
Dịch bệnh đã khiến cho những người mẹ, người vợ này kiệt quệ về cả sức lực và tài chính. Người sắp sửa sinh con, người đang chật vật nuôi con nhỏ. Nhưng dù cuộc sống đủ đầy hay nghèo khó thì đó cũng đều là những thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời người phụ nữ.
Họ cần lắm một điểm tựa vững chãi là gia đình, là quê hương. Và hôm nay, sau những ngày mong ngóng, họ đã được trở về quê nhà.
Chưa thể biết khó khăn nào đang đón đợi phía trước, nhưng như chị Lê Thị Quỳnh Trang, quê ở xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) hiện đang sống tại Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) nói thì “chỉ cần về quê là biết mình đã bình yên. Nên tôi rất cảm ơn những chính sách thật ý nghĩa và nhân văn của tỉnh nhà”.
Thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy về việc đưa đón công dân về quê đối với những trường hợp thực sự khó khăn, tỉnh Quảng Bình đã cử tổ công tác đặc biệt vào miền Nam đón khoảng 400 công dân về quê bằng đường hàng không. Đồng thời, chọn Trường cao đẳng Luật miền Trung làm nơi cách ly tập trung và đặt 1 cơ sở điều trị Covid-19 ngay tại đây. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các trường hợp được đón về quê đợt này phải có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay. Sân bay Đồng Hới cũng đã bố trí phương tiện đón khách tại cầu thang máy bay, sau đó đưa về nơi cách ly. Hành lý được vận chuyển cùng hành khách đến nơi cách ly thay vì nhận tại sân bay để hạn chế tiếp xúc tại khu vực nhà ga. |
Nguồn Báo Quảng Bình
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận