A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Xứng danh Nam Ngạn anh hùng (Kỷ niệm 55 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 – 3, 4/4/2020))

Xứng danh Nam Ngạn anh hùng (Kỷ niệm 55 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 – 3, 4/4/2020))

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm Hàm Rồng – Nam Ngạn, nơi diễn ra “Cuộc đụng đầu lịch sử” cách đây tròn 55 năm.

55 năm về trước, ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã tập trung lực lượng hùng mạnh đánh phá cầu Hàm Rồng hòng chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng và Bác Hồ, quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường giáng trả lại những đòn tấn công tàn bạo của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc quyết chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, tiểu khu Nam Ngạn đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng giòn giã, vang dội ấy.

Những người chiến sĩ Hàm Rồng bên cây cầu huyền thoại.

Trước năm 1963, làng Nam Ngạn thuộc xã Đông Giang (Đông Sơn) có 1 trung đội nữ gồm 24 cô gái ở độ tuổi thanh xuân. Năm 1963, xã Đông Giang sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa và thành lập 3 tiểu khu Nam Ngạn, Nghĩa Phương và Đông Sơn. Năm 1981, tiểu khu Nam Ngạn trở thành phường Nam Ngạn. Sau khi thành lập, thị xã Thanh Hóa giao tiểu khu Nam Ngạn thành lập Khu đội dân quân Nam Ngạn. Vì đã có 1 trung đội nữ nên anh em nam giới tham gia, thành lập 1 trung đội nam cũng gồm 24 người ở độ tuổi từ 18 đến 35. Nhiệm vụ của 2 trung đội là tham gia sản xuất, luyện tập bắn súng và trực tiếp chiến đấu với máy bay tầm thấp. Chiều 2-4-1965, lực lượng thanh niên tiểu khu Nam Ngạn đang làm đồng thì thấy 2 máy bay trinh sát của Mỹ bay rất thấp qua khu vực cầu Hàm Rồng. Ngay lập tức, 2 trung đội được chi bộ gọi về triển khai nghị quyết từ thời bình sang thời chiến. Đêm 2-4, Ban chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa ra lệnh cho tất cả các đơn vị dân quân tự vệ triển khai trận địa sẵn sàng chiến đấu. Chi bộ Nam Ngạn huy động nam nữ thanh niên, dân quân tự vệ cùng bộ đội đào đắp công sự và triển khai 2 trận địa. Trận địa 1 được trang bị 2 khẩu súng máy, 1 khẩu súng đại liên maxim, 1 khẩu súng trung liên và 12 khẩu súng trường. Trận địa 2 được trang bị 14 khẩu súng trường.

Bác Hoàng Xuân Cành, nguyên Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn, Trưởng ban liên lạc cựu dân quân phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), người trực tiếp huấn luyện cho anh em 2 trung đội về cách bắn máy bay tầm thấp kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào của người trực tiếp chỉ huy và chiến đấu: “Sáng ngày 3-4-1965, cả 2 trung đội được lệnh triển khai trận địa trực chiến đấu ở phía Bắc và phía Đông cầu Hàm Rồng, tôi là người chỉ huy trận địa Nam. Khoảng 9 giờ 30 phút, khi máy bay Mỹ lao từ phía Bắc sang phía Đông ở độ cao tầm 500m, tôi ra lệnh bắn và từ đó liên tục chiến đấu. Từng tốp máy bay không ngừng thả bom bắn phá cầu Hàm Rồng. Đến gần 11h trưa, theo đài quan sát của tỉnh cho biết, có 1 máy bay Mỹ bị bắn rơi lao ra biển Đông. Buổi trưa, máy bay Mỹ dừng ném bom bắn phá do mặt trời đứng bóng chiếu xuống dòng sông không nhìn rõ cầu Hàm Rồng nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chiều cùng ngày, từng tốp máy bay Mỹ lại tiếp tục cắt bom đánh phá cầu Hàm Rồng. Phát huy tuyệt đối ưu thế địa hình, quân dân ta đã hiệp đồng tác chiến, bắn rơi 17 máy bay Mỹ”.

Bác Hoàng Xuân Cành, nguyên Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn, Trưởng Ban liên lạc cựu dân quân phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa ôn lại kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng – Nam Ngạn.

 

Thất bại trong ngày thứ nhất, ngay hôm sau (4-4), Mỹ huy động hàng trăm chiếc máy bay hiện đại nhất điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và những vùng phụ cận. Được lệnh của Ban chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa, người già và trẻ nhỏ phải sơ tán hết, chỉ có lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở lại. Do dự kiến đúng tình hình, ngày hôm sau sẽ ác liệt hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra, Khu đội dân quân Nam Ngạn đã thành lập trung đội 3 - trung đội hậu cần để phục vụ chiến đấu. Ròng rã suốt cả ngày dài, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các lực lượng tham gia chiến đấu đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ và bắt sống nhiều giặc lái.

Thất bại thảm hại ngay trong trận đầu tiên đối đầu với quân dân Thanh Hóa, đế quốc Mỹ càng điên cuồng, tiếp tục đánh phá, mở rộng mục tiêu. Những ngày cuối tháng 5-1965, Mỹ cho máy bay trinh sát, thăm dò và ném bom oanh tạc một số địa điểm quan trọng. Ngày 26-5-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá các trận địa pháo cao xạ, các tàu hải quân và cầu Hàm Rồng. Mặc dù các chiến sĩ trên tàu chiến đấu vô cùng dũng cảm nhưng số người bị thương cũng nhiều. Dân quân tiểu khu Nam Ngạn bố trí sát bờ sông ngay lập tức tổ chức lực lượng phối hợp chiến đấu ngăn máy bay địch sà xuống tầm thấp. Khu đội trưởng Khu đội dân quân Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng gan dạ, thông minh, quyết đoán chỉ huy các chiến sĩ dân quân vừa chống trả máy bay địch, vừa huy động lực lượng xuống tàu hải quân làm nhiệm vụ thay thế pháo thủ và cứu các chiến sĩ bị thương. Những tấm gương như đồng chí Nguyễn Văn Cơi (Trung đội trưởng dân quân) hay 4 người con của cụ Ngô Thọ Lạn và các nữ chiến sĩ tiểu khu Nam Ngạn như Ngô Thị Tuyển, Lê Thị Dung, Hoàng Thị Nhâm... đã chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường. Đường đạn hiệp đồng của bộ đội chủ lực với những người con gái, con trai Nam Ngạn đã hạ liên tiếp 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Đạn trên tàu hết, dân quân Nam Ngạn tiếp tục vác đạn, chở thuyền tiếp tế cho tàu ta đánh địch, một số đồng chí khác làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm xuống tàu phục vụ các chiến sĩ hải quân. Người không trực tiếp bắn máy bay thì làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương, lo thực phẩm, tất cả mọi người đều xả thân phục vụ chiến đấu. Chiều ngày 26-5-1965, trước lưới lửa dày đặc của quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng, đế quốc Mỹ phải ngừng đợt tấn công. 4 đoàn viên ưu tú và đồng chí Hàn Thị Tĩnh, bí thư chi đoàn Nam Ngạn được chi bộ Nam Ngạn kết nạp Đảng ngay sau đó.

Cầu Hàm Rồng hôm nay.

 

Sau thắng lợi giòn giã ngày 3 và 4-4, nhất là trận chiến đấu kiên cường phối hợp bắn máy bay Mỹ của dân quân Nam Ngạn và bộ đội hải quân ngày 26-5-1965, Khu đội dân quân Nam Ngạn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; gia đình cụ Ngô Thọ Lạn có 4 người con trực tiếp xuống tàu chiến đấu được Chủ tịch nước gửi thư khen và tặng danh hiệu “Cả nhà đánh giặc”; làng Nam Ngạn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Cả làng đánh giặc”. Năm 1966, Đại đội dân quân Nam Ngạn (gồm trung đội nam và trung đội nữ) được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”.

Nguồn: BÁO THANH HÓA


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội