A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Chu Huy Mân, người bạn thủy chung của nhân dân Lào

Chúng tôi thường gọi Đại tướng Chu Huy Mân với cái tên thân mật "anh Hai Mạnh". Nhiều người cho rằng, anh "mạnh cả về quân sự lẫn chính trị", có người lại nói rằng, anh "mạnh cả về tài năng và đức độ".

Đại tướng Chu Huy Mân sinh năm 1913, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tỉnh Nghệ An. Trong cao trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh, anh tham gia đội Tự vệ đỏ, là Đội phó đội Tự vệ kiêm bí thư chi bộ xã, sau đó là Bí thư phân huyện ủy Hưng Nguyên. Bị giặc Pháp bắt giam ở trại giam Kon Tum, vượt ngục năm 1943, trở về Quảng Nam, anh được phân công làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, anh tham gia Quân đội, làm Chính trị viên tỉnh đội Quảng Nam rồi được điều ra Huế, làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C gồm 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Cuối 1945, anh được điều sang làm Chính trị viên mặt trận Đường 9-Sa-van-na-khẹt. Trong mặt trận này, Liên quân Lào-Việt cùng phối hợp tác chiến suốt từ Đông Hà qua Nam Lào đến Sa-van-na-khẹt.    

Các năm 1946, 1947, 1948, anh nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban kiểm tra Đảng, Đảng ủy viên Quân khu Việt Bắc, Trung đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng uỷ các Trung đoàn 72 (Cao Bằng), 74 (Bắc Kạn) rồi Chính ủy Trung đoàn 174 (Cao-Bắc-Lạng).

Ngày 1/5/1951, Đại đoàn 316 thành lập, anh được điều về làm Bí thư Đảng ủy kiêm phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn, tham gia các chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào rồi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Chu Huy Mân với bí danh "Thao Chăn" được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào. Trước lúc lên đường, anh được đến gặp Hồ Chủ tịch. Suốt thời gian bên Lào, anh luôn nhớ, làm đúng theo lời Bác căn dặn: “Giúp bạn là tự giúp mình nhưng phải bồi dưỡng bạn làm chủ từng việc cho đến làm chủ toàn diện, không bao biện làm thay”.

Từ tháng 8/1950, Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài những buổi làm việc, đồng chí Cay-xỏn thường hay đến thăm người bạn Việt Nam chung thủy Chu Huy Mân, tâm sự về những tình cảm  của mình với Việt Nam từ khi học ở trường Bưởi, trường Đại học Luật ở Hà Nội, đến nhiều chuyện đời tư khác của đồng chí sau này. Những mối quan hệ đó đã tạo điều kiện để đồng chí Chu Huy Mân làm việc tốt ở Lào. Ngày 8/8/1960, Đại úy Koong Le, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù 2 Quân đội Vương quốc Lào làm đảo chính lật đổ chính phủ phản động Phủi Xa-na-ni-con. Từ 26 đến 30/9/1960, quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Pa-thét Lào giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa.

Thời gian này Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Lào đã thành lập, nhiều lần cử các đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam, trong đó có đoàn của Hoàng thân Thủ tướng Su-va-na Phu-ma. Cuối năm 1960, lực lượng phản động Lào tập trung quân nhằm chiếm lại Thủ đô. Chính phủ Vương quốc Lào đã cử đặc phái viên sang Hà Nội xin viện trợ để chiến đấu bảo vệ Viên Chăn. Một lực lượng pháo binh gồm một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm và các đồng chí chuyên gia Nguyễn Duy Trác, Đỗ Bá Bút, Nguyễn Trí Năng cùng một số chiến sĩ pháo binh đi máy bay cấp tốc sang giúp bạn Lào. Ngày 14/12/1960, lực lượng pháo binh Việt Nam này đã lập chiến công xuất sắc trong trận đầu tiên chống quân phản động Phu-mi Nô-xa-vẳn.

Sau này, anh Chu Huy Mân đã kể lại một số chuyện ở Lào thời gian ấy: Pháo và đạn của Việt Nam vừa chuyển bằng máy bay sang sân bay Vát-tày ngày 12/12/1960. Chuyên gia pháo binh Việt Nam mới bay sang Viên Chăn ngày 13/12/1960 thì 14/12/1960 đã chiến đấu. Nếu chỉ dùng pháo binh tiêu diệt các mục tiêu địch trên đất Lào tấn công vào Viên Chăn  thì không có gì phải đắn đo suy nghĩ. Nhưng trong các mục tiêu định bắn của bạn Lào, có một trận địa trọng pháo đặt tại Noọng Khai nằm trên đất Thái Lan thường bắn chi viện cho quân phản động Phu-mi Nô-xa-vẳn. Khi các đồng chí chuyên gia pháo binh Việt Nam báo cáo ý định này của Đại uý Koong Le, anh Chu Huy Mân cân nhắc, suy nghĩ kỹ rồi cuối cùng đã quyết định: Để gây uy thế cho  Chính phủ Liên hợp Vương quốc Lào, có thể bắn trong một thời gian rất ngắn vào trận địa pháo Noọng Khai. Phải bắn thật chính xác. Không được để đạn lạc vào dân lành. Và rồi trận chiến đấu đầu tiên của pháo binh ta hôm đó đã thắng lợi tốt đẹp.  

Cũng năm 1960, Liên quân Lào-Việt đã chiến đấu bảo đảm cuộc vượt ngục của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông thoát khỏi trại giam Phôn Khênh về căn cứ địa an toàn.

Một kỷ niệm khó quên trong thời gian Chu Huy Mân công tác bên Lào được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ Wyler, mặt sau có khắc chữ "Hồ Chí Minh". Khi trao tặng , Bác nói: "Bác tặng chiếc đồng hồ này cho chú vì chú có thành tích giúp Đảng nhân dân cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Các chú cần luôn luôn thấy rằng giúp bạn là tự giúp mình".

Chính những lời căn dặn và những kỷ niệm đặc biệt của Bác Hồ đó đã giúp Chu Huy Mân hoàn thành tốt các nhiệm vụ khi làm cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào.

Đại tướng Chu Huy Mân, người bạn thủy chung của nhân dân Lào
Năm 1956 Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản và vợ, con đến thăm
Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam Chu Huy Mân (trái). 

 

Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây nguyên, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5.

Sau thời gian làm Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào, anh Chu Huy Mân nhận quyết định làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4. Với những tình cảm đặc biệt Việt-Lào vốn có, anh đã cử nhiều đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Quân khu 4 sang Lào tham gia chiến đấu thắng lợi ở Lào.

Tháng 8-1965, anh Hai Mạnh nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ năm 1967 đến năm 1975 là Tư lệnh, Phó bí thư Đảng ủy Quân khu 5, Chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Từ 1975 đến 1976, anh là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Sau này mỗi lần gặp nhau, các chiến sĩ  pháo binh Quân giải phóng Mặt trận Tây Nguyên và Trung Trung bộ thường nhắc lại những kỷ niệm với anh Hai Mạnh những năm tháng ở chiến trường thời gian ấy.

Trên Tây Nguyên, Tư lệnh kiêm Chính ủy Chu Huy Mân đã trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch Plây-me, hạ lệnh nổ súng từ 19 giờ 19/10/1965, chỉ huy chiến dịch cho đến ngày toàn thắng 26/11/1965. Tại Trung Trung bộ, trong chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức tháng 8/1964, khi Trưởng phòng pháo Tô Thuận báo cáo số đạn bắn còn ít, Tư lệnh Hai Mạnh quyết định:" Bổ sung ngay đạn, nhưng pháo binh phải cố gắng diệt mỗi hoả điểm chỉ cần 2 phát đạn". Tư lệnh Chu Huy Mân đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch từ ngày 17/7 bắt đầu nổ súng đến ngày kết thúc 25/8/1974, giải phóng hoàn toàn một địa bàn rộng lớn ở Nông Sơn-Thượng Đức.

Sau mỗi chiến dịch, về căn cứ, Tư lệnh Hai Mạnh lại thân mật như anh em trong nhà, đánh bóng chuyền, học hát, tham gia đồng ca với anh chị em quân khu.

Sau này, khi Đại tướng Chu Huy Mân đã là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ủy viên Bộ Chính trị; Phó bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương; đại biểu Quốc hội; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho đến khi nghỉ hưu (tháng 12/1986) và ít ngày trước khi anh vĩnh biệt bạn bè và người thân về với cõi Vĩnh hằng (1/7/2006), anh vẫn có những buổi tiếp xúc thân mật với những anh chị em cùng chiến đấu trên chiến trường năm xưa.

Đại tướng Chu Huy Mân, anh Hai Mạnh là người như thế. Về mặt "nghiệp vụ", anh mạnh cả về chính trị và quân sự, về mặt "con người", anh mạnh cả về tài năng lẫn đức độ. Ai đã cùng sát cánh chiến đấu với anh đều thấy rõ ở anh những điều đó.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội