Bài 1: Nhìn thẳng vào sự thật để nhận diện, đánh giá đúng
Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, là hạt nhân chính trị, nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước. Vì vậy, chi bộ trong sạch, vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành đúng đủ, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng, trái lại nếu chi bộ yếu kém thì công việc không trôi chảy. Nhận thức được điều đó, Đảng ủy Quân khu 4, các cấp ủy trong Đảng bộ Quân khu và Đảng bộ Quân sự địa phương trên địa bàn Quân khu luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nhất là đối với chi bộ với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi bộ còn hạn chế; nhất là trong những năm đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, mục tiêu phấn đấu không có chi bộ yếu kém chưa thực hiện được. Vậy, thực trạng đó là gì? Nguyên nhân do đâu và giải pháp để giải quyết, khắc phục như thế nào? Chúng tôi xin giới thiệu với các đồng chí và bạn đọc trong vệt bài: Tạo chuyển biến từ xây dựng chi bộ “3 tốt, 3 không” trong Đảng bộ Quân khu 4.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn Đảng bộ Quân khu 4 và Đảng bộ Quân sự các tỉnh, huyện trên địa bàn Quân khu có 1.206 chi bộ. Nhìn chung, các chi bộ đều thường xuyên quán triệt, chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc, quy chế, quy định và được củng cố, kiện toàn. Chất lượng sinh hoạt Đảng thường xuyên được đổi mới cả về nội dung, hình thức, nhất là sinh hoạt lãnh đạo. Công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên được tăng cường. Qua phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm, tỷ lệ chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều đạt trên 93%, đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 82%. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ nhìn chung tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội Đảng bộ Quân khu 4 lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đều thống nhất đánh giá, năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của một số chi bộ có mặt còn hạn chế, nhất là chất lượng xây dựng và thực hiện nghị quyết, tự phê bình và phê bình, công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, đảng viên nhìn chung chuyển biến còn chậm; một số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là tình hình vay nợ không có khả năng thanh toán. Cá biệt có cán bộ, đảng viên còn sa vào tệ nạn xã hội, lừa đảo chạy việc, chạy dự án, tham gia đánh bạc, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, tự tử... Mục tiêu phấn đấu không có chi bộ yếu kém một số năm không đạt được (năm 2014 có 3 chi bộ, năm 2015 có 6 chi bộ, năm 2016 có 4 chi bộ yếu kém). Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả lãnh đạo xây dựng chi bộ, làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức sơ sở Đảng...
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết đó là do năng lực quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của trên để đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện của không ít cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế; nghị quyết còn chung chung, dàn trải, chưa sát thực tế, chưa tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm của đơn vị. Cá biệt vẫn còn hiện tượng “sao chép” nghị quyết. Phần đánh giá còn chung chung, mang tính sự vụ, còn nhầm lẫn giữa khuyết điểm với nguyên nhân; chưa gắn trách nhiệm cá nhân, nhất là chủ trì lãnh đạo, chỉ huy.
Biện pháp thực hiện một số cấp ủy, chi bộ chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm; phần mục tiêu, chỉ tiêu và chủ trương, biện pháp thực hiện còn lẫn lộn hoặc nhắc lại nhiệm vụ. Phân công tổ chức thực hiện nghị quyết còn chung chung; chưa cụ thể và chưa sát với chức trách, nhiệm vụ của từng cấp ủy viên... Việc duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt ở cả 3 hình thức (sinh hoạt học tập, sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình) ở một số chi bộ chưa thường xuyên, nhất là ở loại hình chi bộ khối cơ quan, đơn vị chuyên môn và chi bộ làm nhiệm vụ ngoài nước...
Chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo ở một số cấp ủy, chi bộ còn nhiều hạn chế. Trước khi sinh hoạt chi bộ, một số cấp ủy thường bỏ qua hoặc xem nhẹ bước sinh hoạt (hội ý) cấp ủy để cho ý kiến nhận xét mạnh, yếu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo... Tính “chiến đấu” trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn ở một số cấp ủy, chi bộ còn nhiều hạn chế; công tác quản lý, nắm bắt, theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là quản lý các mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh gia đình, thu nhập và tài sản... ở một số cấp ủy, chi bộ, nhất là chi bộ đặc thù chưa thường xuyên và còn nhiều “lỗ hổng”... Những “căn bệnh” như: Bệnh chạy theo thành tích, bao che dấu diếm khuyết điểm cho cấp dưới, cho đồng đội, “ngại đấu tranh, sợ va chạm”, “dĩ hòa vi quý”, “ngại phát biểu, nặng về biểu quyết nhất trí” hoặc “né tránh khuyết điểm”... diễn ra đáng báo động ở một số cấp ủy, chi bộ...
Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kỷ luật như: Vay nợ không có khả năng thanh toán; tham gia tín dụng đen; quân phiệt; lô đề bài bạc, tham gia các tệ nạn xã hội; buôn bán sử dụng chất ma túy; lừa đảo chạy việc... Do công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, vì bệnh thành tích, bao che dấu, dấu diếm, nể nang, né tránh nên có những vụ việc đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện hoặc khi phát hiện xử lý không kịp thời, kiên quyết dẫn đến vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm pháp luật phải truy tố, bị kết án tù. Điển hình như vụ việc lừa đảo chạy việc của quân nhân Nguyễn Quốc Khánh ở Lữ đoàn Phòng không 283 bị tòa tuyên phạt 16 năm 6 tháng tù giam; hay các vụ việc vay nợ không có khả năng thanh toán ở một số cơ quan, đơn vị phải xử lý kỷ luật...
Từ thực trạng tình hình nêu trên, nhất là những nổi cộm, yếu kém nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có một “bộ quy chuẩn” để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của chi bộ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Minh Thanh, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu cho biết: “Để khắc phục những vấn đề trên, quán triệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong Đảng bộ Quân khu trong giai đoạn mới, ngày 23/3/2017, Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã ban hành Chỉ thị 184 về xây dựng chi bộ “3 tốt, 3 không”. Nội dung chi bộ “3 tốt” đó là: Xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết tốt; giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên tốt; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình tốt. Chi bộ “3 không” đó là: Không yếu kém; không có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ; không có đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nội dung “3 tốt” và “3 không” có mối quan hệ biện chứng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Thực hiện đầy đủ “3 tốt” chính là điều kiện, tiền đề và là cơ sở để thực hiện “3 không” và ngược lại, hoàn thành được nội dung “3 không” chính là điều kiện cần và đủ để đạt mục tiêu “3 tốt”. Chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện đầy đủ nội dung này sẽ góp phần “hóa giải” thực trạng trên, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực toàn diện, sức chiến đấu của chi bộ trong Đảng bộ Quân khu 4 và Đảng bộ Quân sự địa phương...”.
Bài 2: Triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận