Chủ nhật, 12/05/2024 - 08:30
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Việc của quân dân nước Bạn như việc của mình"

Huyện miền núi A Lưới nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 80 km đường biên giới với 39 mốc quốc giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. A Lưới là huyện có 02 cửa khẩu quốc tế A Đớt - Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu  Hồng Vân - Kutai (huyện Sá Muội, tỉnh SaLaVan) liên thông với Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn A Lưới và tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem "Việc của quân dân nước Bạn như việc của mình" cùng chung sức gánh vác, san sẻ, giúp Bạn vơi bớt khó khăn với những việc làm thắm đượm nghĩa tình.

Bài 1: "Vượt khó" lo cho quân dân nước Bạn

Trên chặng đường chúng tôi đến Đại đội Bảo vệ biên giới 531, (thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông), ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống, làm cho con đường đất trơn trượt đi lại khó khăn. Chiếc xe chở chúng tôi lấm lem bùn đất, xoay ngang, xoay dọc, mất rất nhiều thời gian mới đến được nơi Đại đội Bảo vệ biên giới 531 đóng quân. Đón chúng tôi cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531 vui mừng bắt tay thật chặt; pha trà mời khách. Trung tá Xẻng Vi Chay Phết Phai Khăm, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ biên giới 531 vui mừng nói: “Đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ đội Việt Nam là người thân, người quý đã đổ nhiều mô hôi sức lực, giúp đỡ đơn vị rất nhiều, nhất là thi công công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt cho Đại đội”.

Lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào).

 

Theo Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế, Đại đội Bảo vệ biên giới 531 đóng quân trên địa bàn khắc nghiệt, đặc biệt việc bảo đảm nguồn nước sạch gặp khó khăn, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng, tặng Đại đội Bảo vệ biên giới 531 công trình nước sạch, với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng. Sau gần 3 tháng tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục những khó khăn của điều kiện khí hậu, thời tiết, đẩy nhanh tiến độ thi công, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo đúng thiết kế và kỹ thuật. Công trình đưa vào sử dụng góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Đớt vượt qua tiết trời khắc  nghiệt cùng các lực lượng xây dựng công trình hệ thống nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531. 

 

Đồng chí Khamson Conyo, Phó Tỉnh trưởng Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông, Lào cho biết: “Công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 rất ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai tỉnh Sê Kông và Thừa Thiên Huế nói riêng và hai nhà nước Việt Nam - Lào nói chung. Công trình góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531 bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, mốc quốc giới; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển”.

Khánh thành và bàn giao công trình hệ thống nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 trong niềm vui phấn khởi thắm tình hữu nghị. 

 

Mang niềm vui đó, chúng tôi đến bản bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). Gặp chúng tôi, ông Oi Luông Khăm Phan, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Ka Lô phấn khởi nói: "Chỉ cần thấy bóng dáng chiếc ô tô từ xa, người dân trong bản đã biết Bộ đội Việt Nam sang thăm. Người dân bản Ka Lô không bao giờ quên những năm tháng gian khó trước đây. Ở giữa núi rừng, địa hình hiểm trở, đường sá khó khăn, bản cũ cách xa trung tâm huyện Kà Lừm cả chục ngày đi bộ. Cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy. Nhà dựng tạm bợ. Cuộc sống cũng tạm bợ, thiếu thốn, khổ cực trăm bề. Không có trường học. Đói cái chữ. Ốm đau, bệnh tật không có thuốc… nhờ Bộ đội Việt Nam giúp đỡ cuộc sống bà con không ngừng được nâng lên”.

 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Đớt vượt qua tiết trời khắc nghiệt, băng rừng kéo ống nước dài hơn 3km đưa nước sinh hoạt về cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531. 

 

Được biết, vào năm 2008, dân bản Ka Lô dời chỗ ở đến gần biên giới đối diện với địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Để giúp dân bản Ka Lô ổn định cuộc sống, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ kinh phí; Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp thi công xây dựng 42 ngôi nhà và trường học... Mặc cho tiết trời khắc nghiệt, đường sá lầy lội, những trận mưa rừng khiến con suối trên đường đến bản Ka Lô lũ dữ ập đến bất thường và vô cùng nguy hiểm, việc vận chuyển vật liệu thi công hết sức khó khăn. Song với tình cảm và sự tin cậy của dân bản Ka Lô đã truyền thêm ý chí, sức mạnh, là động lực để 8 tháng trời ròng rã, cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn, gian khổ giúp bà con dựng bản làng chắc chắn, khang trang, để người dân Ka Lô an cư, dựng xây cuộc sống mới. "Ngay từ những ngày đó, Bộ đội Việt Nam đã “xây” vào lòng dân bản Ka Lô niềm tin yêu", Trưởng bản Oi Luông Khăm Phan cho biết.

Trường Đại học Y dược Huế phối hợp Đồn biên phòng A Đớt và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh.

 

Cùng với đó, từ năm 2013 - 2018, Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế giúp đỡ người dân bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) xây dựng 39 ngôi nhà, trường học, nhà cộng đồng, góp phần giúp đỡ bà con bản Sê Sáp có cuộc sống tốt hơn. Theo Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm,  ngày đó, nhà của dân bản Sê Sáp chỉ toàn tranh tre nứa lá. Để an cư, không phải lo sợ trước thiên tai, mưa bão, người dân “góp” khung nhà, Đồn Biên phòng Nhâm hỗ trợ tôn, xi măng, công sức xây dựng. Trong những ngôi nhà được xây dựng vững chắc ấy, có “vật liệu đặc biệt” là tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam – Lào.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Sê Kông (Lào).

 

Mang theo “vật liệu đặc biệt” đó, những năm qua, cho đến nay, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân, Nhâm đã đổ mồ hôi xuống mảnh đất, con suối, sườn đồi của các bản Lào, tiếp tục giúp bạn xây dựng những ngôi nhà đại đoàn kết, giúp trồng các loại cây ăn trái, giúp làm nhiều công trình công cộng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nước Bạn. Ông Sum Mây, Trưởng bản Sê Sáp cho biết: “Trước đây dân mình nghèo khó lắm, cuộc sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy mà cái đói, cái rét cứ bám lấy người dân bản mình. Từ khi có các đồng chí Bộ đội Việt Nam sang giúp xây nhà, dạy nhân dân cách trồng trọt, chăn nuôi, xây trường học, khám, chữa bệnh cho nhân dân, đến nay cuộc sống của dân bản mình đã ổn định hơn nhiều, không còn sợ cái đói, cái rét nữa”.

 
Đồn Biên phòng A Đớt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 (Lào) chung tay bảo vệ biên giới. 

 

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm nói: “Đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, những vất vả khi nhích từng bước chân, kéo ống nước, chuyển xi măng lên đồi cao, xây dựng nhà ở cho người dân bản Sê Sáp; đội nắng chang chang đóng tôn, lợp mái nhà, đã trở nên nhẹ nhàng, trước món quà quý giá - là ánh mắt, nụ cười hạnh phúc mà dân bản gửi trao”.

Khi những đám mây bắt đầu sà xuống đầu núi, chiều dần buông, khói bếp từ những ngôi nhà sàn tỏa lên, chúng tôi thấy bản Sê Sáp yên bình. Để có sự yên bình ấy là bao mồ hôi, công sức... Những việc làm đầy tình nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế, huyện A Lưới đã góp phần vun đắp, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Bài ảnh: MINH QUÂN, MINH THƯ

Bài 2: Bệnh viện, bệnh xá xuyên biên giới


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội