A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Nhịp cầu” nối liền ý Đảng, lòng Dân

Bài 2: Gần dân, hiểu dân chọn mô hình, cách làm phù hợp

Thực hiện chủ trương "Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 là một tuyên truyền viên tích cực" trong việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, từng tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị Quân khu 4 đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả. Quá trình tuyên truyền, một trong những kinh nghiệm quý giá được đúc kết là  gần dân, hiểu dân, xem dân cần cái gì, thì công tác tuyên truyền mới mang lại hiệu quả. Trên cơ sở đó, để phát huy kết quả công tác tuyên truyền vào việc cụ thể hóa Nghị quyết sát với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân một cách bền vững, dài lâu, Đảng ủy Quân khu, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân khu 4 xác định và tập trung lãnh đạo LLVT thực hiện tốt giải pháp "Gần dân, hiểu dân chọn mô hình cách làm phù hợp".

 

* Bài 1: Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là một tuyên truyền viên tích cực

 

Miệng nói, tay làm

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta, chúng tôi có dịp cùng Tổ công tác của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4 đi tuyên truyền kết quả đại hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bản thuộc Khu KT-QP Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Điều ấn tượng với tôi là không chỉ có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, mà đơn vị luôn nắm tâm tư, nguyện vọng của ngươi dân, nhất là những cái mà người dân mong mỏi về sự đổi thay, đổi mới mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mạng lại cho mình, từ đó xác định cách làm phù hợp, sát với thực tiễn để đưa Nghị quyết đến với người dân.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Phù Khả 1, xã Na ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thông qua video clip do đơn vị xây dựng.

 

Trước khi thực hiện đợt tuyên truyền này, Đảng ủy Đoàn KT-QP 4 đã chỉ đạo xây dựng video clip tuyên truyền về kết quả Đại hội XIII của Đảng và những nội dung cốt lõi về đường lối, chủ trương của Đảng về dân tộc, tôn giáo trong Đại hội XIII của Đảng. Những nội dung đó đều được đơn vị cụ thể hóa từ Nghị quyết gắn với thực tiễn của địa phương để Nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sức khỏe con người; các triệu chứng, đường lây truyền và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho bà con.

Tại các bản, Tổ tuyên truyền đã phối hợp với Ban quản lý bản mời bà con đến Nhà văn hóa bản xem video clip, kết hợp tổ chức tuyên truyền miệng và chương trình phát thanh (bằng tiếng kinh và tiếng dân tộc). Đồng thời, đơn vị đã kết hợp giữa tổ chức tuyên truyền với cụ thể hóa Nghị quyết bằng việc làm cụ thể thông qua các hoạt động như khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân; giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả mà đơn vị đã nghiên cứu, thí điểm thành công và cung cấp cây, con giống cho bà con, nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sau khi nghe tuyên truyền và nhận được số cây giống của Đội Sản xuất 3 (Đoàn KT-QP 4) cung cấp miễn phí, già làng Xồng Vả Tu, người dân tộc Mông ở bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Hôm nay, được nghe bộ đội Đoàn 4 nói chính sách dân tộc, tôn giáo theo Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho bà con, mình thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo đến đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Không chỉ tuyên truyền mà bộ đội còn cấp cho bà con các cây giống, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng nên bà con mình ai cũng rất tin tưởng vào Đảng, vào bộ đội”.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số bản Na Chừa, xã Mường Chanh, Mường Lát, Thanh Hóa những chủ trương, chính sách của Đảng về dân tộc, tôn giáo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Được biết, nhằm thực hiện hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vừa tuyên truyền công tác phòng, chống dịch dịch Covid-19, thời gian qua, Đoàn KT-QP 4 luôn bám sát Nhân dân, xây dựng nhiều mô hình phù hợp giúp Nhân dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Từ mô hình “Mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, “Mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ 1 - 2 hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”, đến nay đã có 170 hộ nghèo trên địa bàn được các đảng viên nhận giúp đỡ và trực tiếp hướng dẫn phát triển kinh tế; 35 hộ gia đình được các cơ quan, đơn vị thuộc Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Đoàn còn nhận đỡ đầu 12 trẻ em khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 25 chiếc xe đạp và hơn 8.400 bộ quần áo cùng hàng nghìn cuốn sách, vở, bút cho các em học sinh nghèo, vượt khó học giỏi...

Cũng giống như Đoàn KT-QP 4, nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, với suy nghĩ phải đem đến cho đồng bào những gì họ đang cần, giúp đồng bào những gì họ đang thiếu, nói những gì mà đồng bào chưa hiểu, làm những gì mà đồng bào chưa thấy và coi đồng bào như người thân ruột thịt, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP của Quân khu 4 và Ban CHQS các huyện, các đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày đêm bám dân, bám bản, bám rừng, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 92, Quân khu 4, đơn vị đứng chân trên địa bàn Khu KT-QP A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nặng nhất của cả nước. Do vậy, cuộc sống của bà con hết sức khó khăn. Bằng kinh nghiệm nhiều năm bám dân, bám bản, sau khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng ủy Đoàn đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đơn vị cũng có kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, tập trung nghiên cứu những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân. Một trong những mô hình được đơn vị nghiên cứu, phát triển thành công trong năm 2021 là mô hình trồng gừng trong bao...

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 hỗ trợ con giống cho bà con Nhân dân trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

 

Khi trao đổi với chúng tôi về những cách làm hiệu quả để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa khẳng định: Những năm qua, Đoàn KT-QP 337, Quân khu 4 đã phát huy tốt chức năng đội quân công tác, thực sự trở thành cầu nối đắc lực để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con Nhân dân. Cụ thể hóa bằng việc tuyên truyền bà con chấp hành nghiêm nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng biên cương ngày càng khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo

Những năm qua, trên địa bàn Quân khu 4, một số phần tử đội lốt tôn giáo đã lợi dụng những vấn đề bức xúc, nhạy cảm để kích động, chia rẽ đoàn kết lương giáo, nói xấu Đảng, chính quyền, nhất là trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giúp bà con nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc với mục đích thực hiện ý đồ xấu của họ.

Mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” do Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xem là một trong những mô hình tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân và xây dựng mối đoàn kết lương - giáo. Thực hiện mô hình này, Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã có nhiều việc làm rất ý nghĩa. Không chỉ thường xuyên đến thăm, tặng quà, hỗ trợ 2 bữa ăn/tháng cho các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi Giáo họ Tân Hương, Giáo xứ Bố Sơn mà các chị còn tặng quà, hỗ trợ các hộ nghèo, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp địa phương xây dựng nông thôn mới, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao... Thông qua các hoạt động đó các chị đã trò chuyện, chia sẻ, vận động người dân. Chính cách tiếp cận gần gũi, chân tình đó đã tác động rất lớn đến cách nghĩ, cách làm của bà con giáo dân cũng như các chức sắc, chức việc. Theo thời gian, bà con và các chức sắc, chức việc ngày càng tin tưởng và cảm phục bộ đội hơn. Và cũng từ sự tin tưởng, cảm phục đó mà bà con đã tiếp thu những góp ý, tuyên truyền, vận động của bộ đội để tự giác thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân ở địa phương...

Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chuẩn bị sách, vở cho các cháu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi Giáo xứ bố Sơn ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

 

Ông Phan Công Văn, Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn cho biết: “Từ ngày Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kết nghĩa với Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, nghe bộ đội nói, chứng kiến bộ đội làm bà con Nhân dân hết sức tin tưởng bộ đội. Chính vì vậy mà các hoạt động phong trào của địa phương cũng chuyển biến tiến bộ. Đặc biệt, là bà con đã tích cực hơn trong tham gia các hoạt động ở địa phương, như xây dựng nông thôn mới, đóng nộp thuế...”.

Còn ở Trung tâm Mái ấm hi vọng dòng Mến thánh giá Hướng Phương (ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi có hơn 120 trẻ mồ côi, khuyết tật ăn, ở, học tập. Hàng tháng cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Ba Đồn, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đều đến thăm, tặng quà, động viên các cháu. Trò chuyện với chúng tôi, sơ Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Hàng tháng các chú bộ đội đều đến Trung tâm tặng quà, động viên các cháu khuyết tật và giúp Trung tâm vệ sinh khuôn viên, nhà ở, đường đi lối lại. Các chú bộ đội nhiệt tình lắm, mỗi khi Trung tâm cần việc gì các chú bộ đội đều có mặt giúp. Thông qua mô hình này góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội với Nhân dân; đoàn kết giữa lương và giáo; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tô thắm hình ảnh phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân”.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Phi Hòa, Trưởng phòng Dân vận Quân khu cho biết: “Thực hiện chức năng “đội quân công tác”, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào có đạo. Thông qua các đợt hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần chúng, các mô hình kết nghĩa, các hoạt động giao lưu giữa đơn vị với địa phương vùng giáo toàn tòng đã góp phần đưa Nghị quyết của Đảng đến với người dân. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức của bà con giáo dân và các chức sắc, chức việc tôn giáo...”.

Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Vừa bám biển khai thác thủy hải sản, vừa là lực lượng nòng cốt cùng ngư dân tham gia bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những chiến sĩ dân quân biển Quân khu 4 được ví như “những cột mốc sống”, “tai mắt” trên biển. Là “quân trong dân”, gần gũi với ngư dân, hiểu cuộc sống và những khó khăn, vất vả của ngư dân khi vươn khơi, bám biển nên các anh đã tuyên truyền cho ngư dân rất hiệu quả. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, lực lượng dân quân biển là những người tiên phong cùng cấp ủy, chính quyền, các lực lượng đưa Nghị quyết của Đảng đến với người dân.

Những ngày giữa tháng 10, ảnh hưởng của cơn bão số 8, hàng trăm tàu thuyền lớn, nhỏ của bà con ngư dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa neo đậu tại cửa biển Lạch Trường. Tranh thủ thời gian bà con nghỉ biển, cán bộ, chiến sĩ Trung đội dân quân biển Hoằng Trường lại đến từng tàu phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân về phòng, chống dịch Covid-19, Công ước 82 về Luật biển quốc tế và các chủ trương mới của Đảng, nhất là nội dung bảo vệ chủ quyền trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...

Tuổi trẻ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 với biển đảo quê hương.

 

Ông Nguyễn Trung Thành, ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Nhờ có sự tuyên truyền của lực lượng dân quân biển, chúng tôi hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân chúng tôi cũng như các quy định khai thác thủy, hải sản. Đã có không ít lần, tàu chúng tôi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì gặp các tàu nước ngoài hung hăng, đe dọa, ngăn chặn không cho chúng tôi khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam. Nhờ có sự tuyên truyền và hỗ trợ của lực lượng dân quân biển, dù chúng có hung hăng thế nào thì biển, đảo là của mình, quê hương của mình nên kiên quyết không rời...”.

Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, Ban Chỉ huy Quân sự các xã ven biển  trên địa bàn Quân khu 4 đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương thành lập “Tổ đoàn kết trên biển”. Chiến sĩ dân quân biển và các ngư dân của các tổ đoàn kết này như người một nhà, họ thường xuyên thông báo cho nhau biết các thông tin về tình hình ngư trường, giúp đỡ nhau trong khai thác thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; giúp nhau giải quyết các sự cố khi gặp tai nạn rủi ro, thiên tai bất thường trên biển và cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Dân quân biển xã Hoằng Trường phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân về Luật biển Việt Nam và Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982.

 

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến với người dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, Bộ CHQS các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều cách làm sáng tạo. Đặc biệt, tuổi trẻ Lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Đoàn thanh niên, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả như, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đi biển; phong trào “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”, tặng quà cho ngư dân... Thông qua những hoạt động đó để tuyên truyền cho người dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã tạo “nhịp cầu” nối ý Đảng, lòng dân, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến với người dân và đi vào cuộc sống.

Bài 3: Đánh giá thực chất, nhân lên hiệu quả

Bài, ảnh: NHÓM TÁC GIẢ


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội