A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương sáng giữa đại ngàn Trường Sơn

Để người có uy tín thực hiện tốt chức năng “cầu nối” giữa Đảng với dân, những năm qua, Đoàn KT-QP 337 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho già làng, người có uy tín về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước... cho các già làng, trưởng bản

Hành trình đến các bản, làng nơi đại ngàn Trường Sơn, trong Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giờ đây dường như đã gần hơn bởi đường sá được mở rộng, “cứng hóa” tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương của bà con. Trên con đường dẫn vào các xã trong vùng dự án là bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng keo lá tràm, cây bời lời, bơ sáp và những vườn cà phê, hồ tiêu và những ruộng lúa nước xanh mướt. Xen lẫn giữa màu xanh của cây cối là những ngôi nhà sàn xinh xắn mái ngói đỏ tươi... tạo nên một bức tranh với những gam màu tươi mới. 

Theo chân cán bộ Đội sản xuất 1, Đoàn KT-QP 337 chúng tôi về thôn Ra Lỳ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa để tìm gặp ông Hồ Xuân Doi, là người có công cùng với cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 1 tuyên truyền, vận động bà con trồng cây lúa nước. Qua trò chuyện với ông Hồ Văn Doi, chúng được nghe nhiều câu chuyện về cuộc đời và những đóng góp của ông đối với sự đổi thay trong đời sống của bà con nơi đây. Ông Hồ Văn Doi nhớ lại những ngày đầu khi mới đưa cây lúa nước về bản, gặp rất nhiều khó khăn vì bà con không tin cây lúa nước lại có thể là “cây xóa đói”. Ông nói: Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 1 từ việc hướng dẫn kỹ thuật làm ruộng, ươm giống, chuẩn bị phân bón, trừ sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch... nên vụ gieo trồng “thử nghiệm” đầu tiên lại gặp thời tiết thuận lợi, lúa lên nhanh, xanh tốt, được mùa. Ông Dơi và cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 1 đã mời cấp ủy, chính quyền và bà con đến tham quan và tuyên truyền kỹ thuật trồng lúa nước... Thấy được hiệu quả nên dần dần bà con tin và làm theo...

Bằng sự kiên trì “3 bám, 4 cùng”, với sự tiên phong đi đầu, làm trước của những người có uy tín và các cán bộ, đảng viên, cộng với việc phối hợp với bộ đội Đội sản xuất 1 từng bước tạo được niềm tin đối với bà con nhân dân trong vùng. Đến nay, bà con không chỉ thành thạo kỹ thuật trồng lúa nước mà còn giỏi trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, bơ sáp, bời lời, dong riềng, hồ tiêu... kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm... Nhờ đó kinh tế phát triển, bản làng khởi sắc...

Cán bộ cấp ủy, chính quyền và nhân dân tham quan mô hình trồng lúa nước 
của ông Hồ Văn Doi ở thôn Ra Lỳ, Hướng Hóa, Quảng Trị ( ảnh: C.T.V)

Rời xã Hướng Sơn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về các xã trong vùng dự án và được nghe bà con kể nhiều về những người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn. Trong đó phải kể đến tấm gương Hồ Sa Pa, thôn Ra Ly, xã Hướng Phùng, người đã có công gìn giữ và truyền dạy Khèn bè cho bà con trong vùng. Dù mắt không nhìn thấy ánh sáng, bản thân đi lại khó khăn, nhưng Hồ Sa Pa đã không quản bệnh tật, ngày hay đêm truyền dạy vốn quý văn hóa truyền thống của người Vân Kiều cho con cháu mình. Hay như Già làng Hồ Văn Mừng, thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng bằng uy tín của mình đã tuyên truyền, vận động, giáo dục bà con bảo vệ, không chặt phá diện tích rừng nguyên sinh còn lại. Rồi ông Hồ Sừn, thôn Cù Bai, xã Hướng Lập được bà con nhân dân biết đến bởi tấm gương tích cực tham gia và vận động nhân dân trên địa bàn tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới... 

Phát huy vai trò, sự gương mẫu của già làng, người có uy tín trên địa bàn để nâng cao hiệu quả xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh là những kinh nghiệm quý trong công tác vận động quần chúng ở Đoàn KT-QP 337. Để người có uy tín thực hiện tốt chức năng “cầu nối” giữa Đảng với dân, những năm qua, Đoàn KT-QP 337 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho già làng, người có uy tín về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước... cho các già làng, trưởng bản. 

Nói về những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc củng cố, giữ vững vùng biên, Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Chính ủy Trung đoàn Nông lâm 52, Đoàn KT-QP 337 khẳng định: “Đồng bào Vân Kiều có vai trò to lớn trong việc giúp đỡ lực lượng chức năng quản lý, tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới và xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Trong đó, việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để nhân lên nhiều tấm gương sáng, nhiều việc làm tốt là hết sức quan trọng”.


                  LÊ XUÂN LIỆU
 


Tác giả: Lê Xuân Liệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội