A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu vì dân, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Bài 3: Khắc ghi lời thề thứ Chín

Những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 ghi dấu ấn mới trên tất cả các lĩnh vực quân sự, quốc phòng; chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu được nâng cao; quốc phòng, an ninh trên địa bàn Quân khu được củng cố, đời sống Nhân dân được cải thiện. LLVT Quân khu 4 thực sự là "điểm tựa" vững chắc của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung bộ trong phòng, chống thiên tai, bão lụt, cháy rừng, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (ĐBQH, HĐND) các cấp là cán bộ Quân đội và sự quan tâm, thương yêu, đùm bọc của đồng bào, cử tri trên địa bàn.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lãnh đạo, chỉ huy mở rộng giới thiệu người ứng đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đại biểu, trong đó, vai trò cá nhân của từng đại biểu là hết sức quan trọng. Nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của ĐBQH, HĐND không chỉ là đòi hỏi cấp thiết mà còn là giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng như cơ quan dân cử ở địa phương. Nhân dân luôn cần sự sâu sát của các đại biểu, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn biên giới, hải đảo, nơi triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo, các dự án phát triển kinh tế xã hội ở các vùng dự án kinh tế - quốc phòng…

          Có thể khẳng định, trong các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, nhiều đại biểu trong đó có đại biểu là cán bộ Quân khu 4 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện quyền lợi của Nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Đại biểu Quốc hội, HĐND đã tham gia tích cực hơn vào việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tham gia quyết nghị đúng đắn về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương. Nhiều Nghị quyết trước khi tiến hành biểu quyết thông qua được các đại biểu Quân khu 4 tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đối thoại công khai đến khi vấn đề cốt lõi là quyền lợi của Nhân dân được đặt lên hàng đầu.

         

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế trao đổi, nắm tình hình với cử tri.

 

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực hết sức hệ trọng có tính chất đặc thù, nhạy cảm và có nhiều thông tin cần bảo mật. Các đại biểu thuộc Quân khu 4 đều là sĩ quan cao cấp của Quân đội, đã được tôi luyện trong môi trường chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, khả năng tham gia xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách vĩ mô đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

          Tại mỗi khóa họp, các đại biểu Quân khu 4 đã để lại những dấu ấn quan trọng, đóng góp to lớn đối với hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban quốc phòng, an ninh nói riêng. Các đại biểu luôn không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giáo phó. Có thể kể ra đây những tấm gương tiêu biểu như: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X; Thiếu tướng liệt sĩ Nguyễn Văn Man, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XV...

         

Đồng chí Hà Thọ Bình, đại biểu Quốc hội khóa XV lấy ý kiến nhận xét cử tri nơi cư trú.

 

Trong Chương trình hành động ứng cử Đại biểu Quốc hội của mình, các đồng chí luôn xác định “bám sát thực tiễn, xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”. Với địa bàn như Quân khu 4 thì ai cũng hiểu rằng đó là dải đất chịu sự tàn phá khốc liệt trong chiến tranh, thường xuyên gánh chịu thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, dịch bệnh trong thời bình… Thực tiễn đó yêu cầu vai trò người đại biểu của Nhân dân càng phải được phát huy hơn bao giờ hết.

          Những năm qua, địa bàn Quân khu 4 liên tiếp ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, sự cố trên biển... Thời gian để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau các đợt dịch Covid-19 chưa được bao lâu, thiên tai lại dồn dập đổ xuống mảnh đất này. Ký ức về “trận đánh” trên vùng biển Cửa Việt vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người.

        

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XV  nắm tình hình, động viên chiến sĩ dân quan tỉnh Thừa Thiên Huế.

  

Với các đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, có vai trò hết sức quan trong, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân trong xây dựng và củng cố QP-AN, thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Những ý kiến của đại biểu là cơ sở để HĐND các cấp ban hành các nghị quyết về QP-AN, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

          Đối với địa bàn vùng khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, họ có vai trò quan trọng trong tham mưu bảo đảm ngân sách cho quốc phòng theo quy định của pháp luật; ưu tiên đầu tư cho các địa bàn chiến lược, xung yếu, quan trọng về quốc phòng. Tuy nhiên, về kinh tế-xã hội, đây lại là vùng chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo cao.

          Thực tế quá trình triển khai các dự án, mô hình xóa đói, giảm nghèo nơi đây cho thấy, để mang lại hiệu quả, không chỉ cần sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, có giải pháp đáp ứng kịp thời các nguồn vốn của dự án mà cần có sự sâu sát, thường xuyên bám cơ sở để giám sát, phản biện của đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện và xã, để "từng đồng, từng cắc" không bị thất thoát lãng phí, đến tận tay người dân.

Đại tá Đinh Xuân Hướng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 trao quà tặng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 80 làm công tác dân vận tại huyện Minh Hóa.

 

Tuy nhiên với câu hỏi: "Đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu HĐND các cấp là cán bộ LLVT đã thực sự đáp ứng được nguyện vọng của cử tri với vai trò là "cầu nối" nói lên tiếng nói của người dân, đại diện cho lợi ích của Nhân dân hay chưa?", thì còn không ít ý kiến cử tri băn khoăn, chưa hài lòng. Bởi vì chất lượng đại biểu sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp, vậy nên nếu chất lượng đại biểu hạn chế là vấn đề đáng quan ngại. Thậm chí một số đại biểu HĐND còn xa rời thực tế, cả nhiệm kỳ ít đi cơ sở, không phát biểu và không thực hiện đúng chương trình hành động khi ứng cử… Tiếp xúc cử tri là hoạt động không thể thiếu của một đại biểu dân cử, nhưng do đại biểu là kiêm nhiệm, chỉ chuyên sâu lĩnh vực mình phụ trách là quân sự, quốc phòng nên chưa không nắm hết các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... Vì vậy, nhiều vấn đề cử tri có ý kiến, lẽ ra nếu nghiên cứu chuyên sâu, nắm bao quát, tổng thể, đại biểu có thể trả lời ngay, nhưng lại trả lời theo kiểu chung chung như sẽ báo cáo cấp trên hoặc sẽ trả lời trong kỳ họp tới… làm giảm lòng tin của người dân.

          Khi mà mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp còn khoảng cách thì không thể nâng cao chất lượng hoạt động của người đại biểu dân cử. Đây là điều mà trong nhiệm kỳ này, các đại biểu đang nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục. Trước đó, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc, không hài lòng khi kiến nghị của họ không đến được nghị trường Quốc hội, không được HĐND các cấp giải quyết. Vì vậy, tính đại diện của người đại biểu Nhân dân cần được làm rõ, chất lượng của đại biểu phải được nâng lên.

          Một trong những nguyên nhân thực trạng trên là do đại biểu trong Quân đội chủ yếu là kiêm nhiệm, áp lực nhiệm vụ quân sự ,quốc phòng nhiều nên thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công việc Quốc hội, HĐND còn ít. Vì vậy đôi lúc các đại biểu chưa đủ khả năng để bảo vệ quan điểm của mình khi xem xét những vấn đề được trình tại kỳ họp. Hậu quả của tình trạng này là không ít nghị quyết được ban hành, không thể đi vào cuộc sống, chỉ có hiệu lực trên bàn giấy.

Muốn vậy, Quốc hội, HĐND các cấp phải có những quyết sách vì lợi ích của người dân. Đơn cử như ở địa bàn biên giới, vùng dân tộc thiểu số, người đại biểu dân cử thuộc Quân đội phải xác định lo cho dân ổn định cuộc sống là trước hết. Bởi, nếu đời sống người dân được cải thiện, ấm no, thì họ càng yên tâm làm ăn và tích cực tham gia bảo vệ an ninh biên giới. Vì vậy, đại biểu HĐND ở các địa bàn này phải là những người không chỉ có kiến thức quân sự, mà còn phải am hiểu địa bàn biên giới, có kiến thức nông, lâm, ngư nghiệp, biết làm kinh tế, tâm huyết với nhiệm vụ, hiểu dân và biết lo cho dân. Nhằm giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế, khu kinh tế, quốc phòng, đại biểu HĐND huyện, xã phải có tầm nhìn, tâm huyết, sáng tạo, vô tư, trong sáng, nội bộ đoàn kết.

Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện, đại biểu HĐND huyện Kỳ Sơn nắm tình hình người dân bị thiệt hại trong cơn lũ quét tháng 10 năm 2022.

 

Ưu tiên bố trí giới thiệu hiệp thương bầu cử, ứng cử những đồng chí người địa phương có thâm niên lâu năm, gắn bó với địa bàn nên am hiểu phong tục, tập quán vùng miền, nắm rõ đến ngõ ngách thôn xóm, bản làng, tính tình của cán bộ lãnh đạo, người có uy tín đến hoàn cảnh mỗi hộ dân để công tác dân vận mang lại hiệu quả cao, đồng thời cần có chính sách đãi ngộ thiết thực để đại biểu HĐND các cấp yên tâm gắn bó lâu dài với người dân. 

Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cần tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận các chủ trương, giải pháp triển khai các dự án phát triển kinh tế, gắn với quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của người dân; tạo nguồn kinh phí để khám, chữa bệnh cho Nhân dân, quan tâm thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... Bởi, công tác dân vận mà tiến hành “suông” sẽ rất khó đi vào lòng dân; đồng thời phải phát huy vai trò giám sát, kiểm tra việc triển khai các dự án để tham mưu cho cấp Bộ, Quân khu rút kinh nghiệm, định hướng nhân rộng việc làm hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội, HĐND phải tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, sâu sát bám nắm cơ sở, đặc biệt phải gần dân, hiểu dân để phản biện, đại diện quyền lợi cho Nhân dân… Tăng cường tham mưu, thảo luận, nêu ý kiến trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động triển khai các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố QP-AN; phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đảng viên vừa làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa củng cố và phát huy hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ Quân khu, các tỉnh ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện chiến lược “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. 

Để làm tốt các điều trên, thực sự xứng đáng là những "Đại biểu vì dân, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", mỗi đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp là cán bộ Quân đội càng phải khắc ghi và nêu gương sáng về thực hiện lời thế thứ Chín, trong 10 lời thề danh dự của quân nhân, đó là: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân... thực hiện quân với dân một ý chí.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội