A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2022): Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Rời quê nhà tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, với quê hương mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo không nhiều, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn đau đáu hướng về Quảng Trị và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào, đồng chí và Nhân dân trong tỉnh.

Dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ​​​​​​.

 

 

Sau gần 10 năm rời xa quê hương tìm đường đến với cách mạng, tháng 10/1936, vừa ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Duẩn tìm về ngay với Quảng Trị. Nén chặt nỗi đau vô hạn trước sự ra đi của mẹ, đồng chí nhanh chóng liên lạc với các đảng viên và quần chúng cách mạng để tiếp tục hoạt động. Với tư duy năng động, nhạy bén cùng với lòng nhiệt tình và trình độ lý luận sắc bén, đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin và đường lối, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể ở địa phương; đề ra những chủ trương mới, sát đúng, tạo được uy tín lớn trong đông đảo đảng viên và quần chúng.

Đồng chí nhanh chóng tập hợp cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, chắp nối các cơ sở đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ để đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Được sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ chức cơ sở đảng đã được khôi phục và đến cuối năm 1936, Tỉnh ủy Quảng Trị được lập lại. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Quảng Trị phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào đón Gô đa đưa thư thỉnh nguyện, đòi cải cách hương thôn, chống thuế có tiếng vang lớn trong toàn xứ, gây ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Dưới sự chỉ đạo sâu sát và khôn khéo của đồng chí Lê Duẩn, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng phát triển mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên được đào tạo, rèn luyện và ngày càng trưởng thành.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trước yêu cầu của Đảng và Bác Hồ, đồng chí đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân Nam Bộ kháng chiến, song mỗi khi có điều kiện là đồng chí lại quan tâm hỏi han, tìm hiểu tình hình ở quê nhà. Chiến khu Ba Lòng - nơi đặt cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh vinh dự nhiều lần đón đồng chí trên đường đi công tác và mỗi lần như vậy, trong thời gian ngắn nhưng Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị luôn nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy mới từ Nam Bộ ra nhưng khi biết tin Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị tại Hà Nội vào tháng 10/1957, đồng chí vẫn dành thời gian và trực tiếp đến truyền đạt tinh thần “Đề cương cách mạng miền Nam”. Đây là hội nghị mang tính bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Trị. Trăn trở với mặt trận Trị Thiên đầy khốc liệt, đồng chí luôn liên lạc, nắm bắt, chỉ đạo sát với tình hình, đồng thời gửi lời cổ vũ, động viên Đảng bộ Quảng Trị, Vĩnh Linh kiên cường vượt qua gian khổ, hy sinh, thi đua lập công. Khi cuộc kháng chiến đi vào giai đoạn quyết liệt, không trực tiếp vào sâu trong chiến trường, đồng chí Lê Duẩn luôn theo dõi sát sao tình hình ở Quảng Trị, nhắn gửi các đồng chí lãnh đạo luôn vững vàng và chỉ đạo cụ thể qua những bức thư gửi cho Khu ủy và Quân khu ủy Trị Thiên.

Với quê hương Quảng Trị, đồng chí luôn dành những tình cảm sâu nặng: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng! Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước, vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào...”. 

Sau ngày đất nước thống nhất, mỗi lần về thăm quê hương, đồng chí thường nhắc nhở, căn dặn các đồng chí lãnh đạo địa phương: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người đủ no. Nếu còn một gia đình nào không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó. Đây chẳng những là một nhiệm vụ mà còn là vấn đề đạo đức cộng sản. Đảng ta, Nhà nước ta phải chăm lo đến đời sống của Nhân dân lao động và của từng người trong xã hội. Phải suy nghĩ tìm mọi cách giúp đỡ người già nua, tàn tật, những trẻ mồ côi không được học hành, không nơi nương tựa…”.

Đồng chí đưa ra định hướng phát triển kinh tế mà đến nay đã trở thành hiện thực rõ nét trên quê hương: “Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh tế quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa. Bà con mình phải biết yêu thương nhau, gia đình yêu thương nhau, cả làng, cả xã phải thương yêu nhau. Bất cứ người nào cũng phải có lao động, tình thương và lẽ phải…”.

Đồng chí căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo Nhân dân phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động. Về Vĩnh Linh ngay sau ngày ký kết Hiệp định Pa ri, đồng chí chỉ đạo: “Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp đắt tiền hơn, phát triển công nghiệp và có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu”.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh, đồng chí Lê Duẩn đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất đỏ ba dan màu mỡ của Vĩnh Linh cũng như tỉnh Quảng Trị. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí nhắc lại và chỉ đạo Trung ương giúp đỡ tỉnh Bình Trị Thiên hình thành nên vùng chuyên canh cây cao su, cây cà phê, cây hồ tiêu ở Quảng Trị. Đây là những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở đây và đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI thực sự là những loại cây trồng góp phần đổi đời hàng ngàn hộ nông dân từ nghèo khó trở thành khá, giàu.

Đối với gia đình, họ hàng, làng xóm, đồng chí luôn thể hiện là người con hiếu nghĩa, thủy chung, sâu sắc. Những lần về thăm quê, đồng chí thường đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, từ đường, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của người con đi xa trở về; bố trí thời gian đón tiếp bà con làng xóm đến chơi; gặp gỡ, chuyện trò với những người cao tuổi, hàn huyên với bạn bè gắn bó thuở thiếu thời.

Trong căn nhà ấm cúng ở làng Hậu Kiên, đồng chí thân mật hỏi thăm từng người về sức khỏe, nghề nghiệp, đời sống, cả việc học hành của con cháu và động viên mọi người cố gắng vượt khó vươn lên khiến ai cũng xúc động trước cử chỉ gần gũi, ân cần của đồng chí. Những lần về thăm quê, đứng dưới những cánh rừng cao su, trên triền đất đỏ ba dan ở Hướng Hóa, đồng chí chỉ đạo cần quyết tâm: “Xây dựng Hướng Hóa thành huyện miền núi kiểu mẫu”.

Về Triệu Phong, đồng chí nhấn mạnh: “Thủy lợi cùng với tiềm năng đất đai và lao động là điều kiện tiên quyết để làm giàu”. Nhờ đó, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn - một công trình thủy lợi lớn nhất trên vùng đất Quảng Trị đã ra đời, đưa dòng nước ngọt tỏa về tưới cho hàng ngàn héc ta ruộng, góp phần tăng năng suất lúa lên gấp 2 - 3 lần. Trong lần về thăm quê, khi dừng chân bên kênh dẫn nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, nghĩ về cuộc sống tương lai no ấm của đồng bào, đồng chí Lê Duẩn bồi hồi xúc động: “Có nước rồi, hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định sẽ giàu có”.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu, trong từng bước đi của địa phương, đồng chí Lê Duẩn đều dõi theo, quan tâm, động viên, nhắc nhở. Lần nào về thăm quê, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đồng chí Lê Duẩn luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Nguồn: Báo Quảng Trị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội