Thứ sáu, 10/05/2024 - 22:30
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức ngày trở về

Thực hiện Hiệp định Paris, 50 năm về trước (1973) đã diễn ra cuộc trao trả tù binh - tù chính trị yêu nước về với cách mạng trong tư thế người chiến thắng, đầy cảm xúc... Cả nước mong chờ hàng vạn người con trung kiên của đất nước bị Mỹ Ngụy bắt, đày đọa được trở về với cách mạng, với Nhân dân vùng giải phóng.

May mắn sống sót trở về quê hương trong hòa bình, cựu tù Phú Quốc Nguyễn Minh Hoát (sinh năm 1938, đảng viên 50 năm tuổi Đảng) ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch vẫn không thể quên về ký ức một thời đạn bom ác liệt và những ngày bị giam cầm ở chốn “địa ngục trần gian”- nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Minh Hoát.

 

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 2/2/1960, ông Nguyễn Minh Hoát lên đường nhập ngũ.  Ông  được bổ sung vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (sân bay Thuận Lý, Đồng Hới). Ngày 2/2/1968, trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân, ông bị trúng đạn ở chân trái và hai tay, do chênh lệch lực lượng, sau 2 ngày cầm cự thì bị địch bắt. Sau khi bị bắt, nhằm dụ dỗ để lấy lời khai, chúng đưa ông vào điều trị tại bệnh viện Nha Trang, Khánh Hòa. Sau một thời gian không khai thác được gì, tháng 5/1968, chúng tiếp tục đưa ông vào nhà tù Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để giam cầm và tra tấn. Lúc mới vào, trong 6 ngày đầu tiên ông bị cách ly để tra khảo… Tuy nhiên, ông nhất quyết không khai gì mặc dù bị tra tấn rất dã man.

Sau nhiều ngày tra tấn tại nhà tù Biên Hòa nhưng không khuất phục được ý chí của những người lính cụ Hồ, 5 giờ sáng ngày 26/6/1968 chúng chở ông cùng nhiều tù binh khác ra sân bay Tân Sơn Nhất, bịt mắt rồi cho lên máy bay chở thẳng ra sân bay An Thới, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. “Mới đặt chân xuống sân bay, những tên lính ngụy đã “tiếp đón” anh em tù binh chúng tôi bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Vừa đánh chúng vừa chửi “Mày đánh trận Mậu Thân, giết quân tao nhiều vô kể mày biết không?, “Mày vào đây thì chỉ có con đường chết”, “Nơi này bốn bề là biển, mày ngoan ngoãn chấp hành thì mày sống, không thì mày sẽ chết…”, ông Hoát nhớ lại.

Nhà tù Phú Quốc là bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược. Hàng loạt cực hình như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống…đều được tái hiện lại nơi đây khiến du khách khi tới tham quan không khỏi rùng mình.

Riêng bản thân ông Hoát, ngoài hình thức bị tra tấn, đánh đập thì ông vẫn không thôi ám ảnh khi bị bọn chúng nhổ mất 2 cái răng, khi nhổ xong chúng bắt nuốt máu tươi vào bụng. Ông Hoát trầm ngâm: Mặc dù chế độ nhà tù hà khắc với  nhiều  hình thức tra tấn tàn độc, kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được ý chí, tinh thần yêu nước của những chiến sỹ cộng sản. Các tù binh cộng sản vẫn bền gan, vững trí, tìm cách đào hầm, vượt ngục. Ông  Hoát kể: Đào hầm vượt ngục vô cùng khó khăn. Các chiến sĩ tận dụng mọi thứ có thể để đào hầm như sắt ba cạnh, nắp cà mèn đựng cơm… Miệng hầm chọn vị trí dưới giường của tù binh bị bệnh nan y, chỗ tiểu tiện để tránh sự kiểm tra của cai ngục. Không phải tù binh nào cũng biết kế hoạch đào hầm, mọi thứ phải dò xét cẩn thận, bởi chúng thường giả làm tù binh vào để dò la tin tức, nếu bị phát hiện thì chúng sẽ tra tấn tù nhân đến chết. Có lúc chúng điểm danh đột xuất, anh em phải nhanh trí tráo người, tức là điểm danh hàng này xong thì đem người sang hàng thiếu để che mắt quân địch. Ròng rã nhiều tháng trời, đường hầm vượt ngục mới hoàn thành. Đêm 20/1/1969, nhờ đào hầm mà đã có 21 chiến sĩ thoát ra về với cách mạng tại căn cứ cách mạng huyện đảo Phú Quốc. Trong các lần vượt ngục, những ai sức khỏe yếu và bị thương phải nhường cho những người khỏe mạnh ra ngoài để về với căn cứ địa cách mạng tiếp tục chiến đấu.

Trong tù, mỗi tù binh đều được giao nhiệm vụ cụ thể, nhiệm vụ của ông Hoát là phải lợi dụng vết thương và thân người gầy gò, ốm yếu để xin đi khám bệnh, xin thuốc và dò la tin tức bên ngoài. Với những trận cực hình của lính cai ngục, nếu không có thuốc thì nhiều chiến sĩ khó lòng qua khỏi. Cứ xin được thuốc về ông lại giao nộp cho trưởng cụm tù để cấp phát lại cho anh em. Không chỉ việc bí mật đào hầm thoát ra ngoài, mà những người tù cộng sản còn tập hợp lại với nhau để xây dựng tổ chức, sinh hoạt Đảng, học chính trị, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù… Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Sau gần 5 năm nếm đủ những cực hình ở chốn “địa ngục trần gian”, ngày 18/2/1973, ông được trở về theo diện trao trả tù binh tại bến sông Thạch Hãn. Được đi an dưỡng tại Đoàn 127, (Móng Cái, Quảng Ninh) để điều trị và phục hồi sức khỏe, ngày 17/10/1974, ông Hoát  xuất ngũ trở về địa phương.

Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên niềm tự hào về những tháng năm oanh liệt ngoài chiến trường và chiến đấu thầm lặng trong nhà tù của địch, tự hào với tinh thần, ý chí kiên cường của những chiến sỹ giải phóng và mong muốn được cùng đồng đội một lần đến thăm lại nhà tù Phú Quốc...

 HOÀNG TRUNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội