Thứ tư, 08/05/2024 - 08:56
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy “tại chỗ” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài 3: Phát huy “tại chỗ” đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Phát huy “tại chỗ” thực chất là làm cho “mỗi người dân là một chiến sĩ” trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo thành “thế trận đấu tranh Nhân dân” thường trực, rộng khắp, giành thế chủ động, làm lộ diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động từ sớm, từ xa; vô hiệu hóa nhanh, gọn, hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; tránh bị động, bất ngờ, tạo thành “điểm nóng”.

Bài 1: Thủ đoạn “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy”

Bài 2: “Tại chỗ” “vô hiệu hóa” thủ đoạn chống phá

 

Thiết lập “Cầu nối quân dân”

Những năm gần đây, thủ đoạn “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy” được các thế lực thù địch, phản động triển khai ráo riết, quyết liệt. Trong đó, chúng tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, nơi kinh tế chưa phát triển... Nói theo cách khác là chúng tập trung vào vùng còn có những “khoảng trống”, nhất là “khoảng trống” về thông tin, truyền thông - Nơi mà người dân tiếp cận, nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn nhiều khó khăn... Vì thế, muốn phát huy “tại chỗ”, nhất thiết phải thường xuyên gần dân. Đây là yêu cầu xuyên suốt, nhưng để thực hiện được cần phải có cách làm mới, phù hợp với tình hình.

Một trong những cách làm để gần dân, thường xuyên được Nhân dân cung cấp thông tin, đó là các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 đã thiết lập “Cầu nối quân dân”. Từ thực tiễn, hầu hết các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đều có con em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đang học tập, công tác; trong đó có không ít hạ sĩ quan, chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do vậy, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng “cầu nối” giữa đơn vị với hậu phương gia đình quân nhân để nắm thông tin từ gia đình, địa phương. Trên cơ sở những thông tin do hậu phương cung cấp, đơn vị chắt lọc, phân loại và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Quân khu 4 tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thông qua các video lip.

 

Để phát huy hiệu quả “Cầu nối quân dân”, các cơ quan, đơn vị đã bồi dưỡng, xây dựng “cầu nối” từ con em đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, những quân nhân ở vùng có “khoảng trống” trở thành tuyên tuyền viên tích cực với hình thức phong phú, phù hợp thực tiễn từng địa phương như tổ chức “cầu truyền hình”, gọi zalo về cho gia đình, người thân trong các buổi tọa đàm, giao lưu chiến sĩ với hậu phương, tổ chức các mô hình “Quà tặng âm nhạc”, “Mỗi ngày một điều luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”... Đặc biệt, nhiều đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trực quan thông qua các hình ảnh, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật hay, hấp dẫn bằng tiếng đồng bào và có hình ảnh con em mình trong đó gửi về cho gia đình để tuyên truyền. Khi có hình ảnh con em mình là người đi tuyên truyền trong các video clip, bà con rất phấn khởi, tổ chức xem và gửi cho người thân, bạn bè cùng xem tạo sức lan tỏa rộng rãi. Thực tế, ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con rất ít mua sắm ti vi, trong khi điện thoại bà con luôn mang theo bên mình nên có thể xem các video clip mọi lúc, mọi nơi.

Nhờ phát huy hiệu quả “Cầu nối quân dân” nên những việc làm trái pháp luật, xuyên tạc sự thật, lối kéo, kích động bà con... của các thế lực thù địch, phản động được bà con đối chiếu, phát hiện, trao đổi với đơn vị thông qua “cầu nối”. Vụ việc ở Công ty TNHH Hồng Uy, đóng tại địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một dẫn chứng. Ngày 10/6/2018, qua thông tin từ gia đình chiến sĩ cung cấp, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4 nắm được thông tin có một số phần tử xấu đã móc nối, kích động công nhân của Công ty Hồng Uy tụ tập, biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Dự Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Các đối tượng đã cung cấp một số lượng lớn áo phông màu đỏ cho công nhân để mặc khi đi biểu tình. Từ thông tin nắm được, Trung đoàn 3 đã phối hợp với cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý, tuyên truyền vận động công nhân không nghe theo lời kẻ xấu. Qua đó, các công nhân đã nhận ra âm mưu của kẻ xấu và đã tuyên truyền vận động gia đình, người thân không tụ tập phản đối trái pháp luật.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

 

Hay thông qua “Cầu nối quân dân”, gia đình các chiến sĩ ở bản Trường Sơn thuộc xã biên giới xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã cung cấp cho Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 thông tin có một số người lạ đến địa bàn bản truyền đạo trái pháp luật. Đơn vị đã thông báo với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trong bản không theo những tà đạo trái pháp luật. Đặc biệt, từ thông tin gia đình chiến sĩ cung cấp, Trung đoàn đã xây dựng video clip về chống truyền đạo trái pháp luật do chính con em đồng bào H’Mông ở huyện Kỳ Sơn thực hiện gửi về gia đình, người thân tuyên truyền và đã phát huy hiệu quả.

Trong những năm qua, thông qua “Cầu nối quân dân” các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 4 đã kịp thời nắm bắt được nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các hoạt động truyền đạo, di dịch cư trái pháp luật, các hoạt động tuyên truyền, xúc dục người dân biểu tình, chống đối chính quyền... từ khi mới có dấu hiệu mà cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nắm được hoặc nắm chưa rõ. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, xử lý kịp thời, ngăn chặn hiệu quả.

Cần lắm những tổ, đội tuyên truyền xung kích

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở những địa bàn có các đơn vị Quân đội đóng quân thì công tác tuyên truyền được tổ chức khá bài bản, chặt chẽ, hiệu quả. Còn ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa nơi đóng quân của các đơn vị Quân đội thì công tác tuyên truyền của các tổ, đội xung kích rất ít. Trong tiềm thức của người dân, những năm trước, hình ảnh người chiến sĩ băng rừng lội suối, cắm bản tuyên truyền, giúp đỡ bà con đã in sâu trong lòng Nhân dân. Ngày nay, bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất cần những tổ, đội xung kích về với bà con; vì ở đây cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao thông đi lại rất phức tạp, cuộc sống người dân còn khó khăn về nhiều mặt nên bà con còn có “khoảng trống” về thông tin.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên truyền cho người dân ở xã A Roàng, A Lưới.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì trong thời đại công nghệ 4.0, người dân ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Do vậy, hoạt động của các tổ, đội tuyên truyền xung kích ngày cũng ít dần. Thế nhưng, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều người dân đang “đói thông tin”, rất cần sự có mặt của các tổ, đội xung kích thường xuyên đến với người dân, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đang ngày đêm tìm cách “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy” nhằm lôi kéo người dân thực hiện theo các ý đồ xấu của chúng.

Khảo sát thực tế một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Quân khu 4 chúng tôi nhận thấy, ở những nơi càng khó khăn, càng “đói thông tin” thì các thế lực thù địch, phản động lại càng tập trung “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy” nhằm lôi kéo, mua chuộc bà con thực hiện theo mưu đồ của chúng. Vì thế, cấp ủy, chính quyền và bà con Nhân dân rất mong muốn được khôi phục lại hoạt động của các tổ, đội tuyên truyền xung kích trước đây nhằm phát huy “tại chỗ” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới giúp bà con nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Nơi càng khó, việc càng khó càng phải đến với dân

Thực tiễn công tác dân vận của LLVT Quân khu có những lúc, có những công việc bước đầu rất khó tiếp cận, nhất là một số địa phương vùng đồng bào có đạo. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, khôn khéo và những việc làm thiết thực, ý nghĩa của mình, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã nhanh chóng tiếp cận Nhân dân “hóa giải” thành công những bài toán khó để giành dân, giữ dân, giúp Nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Sau sự cố môi trưởng biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, một số đối tượng thù địch, phản động, đối tượng cực đoan trong tôn giáo đã kích động giáo dân tổ chức biểu tình, gây rối trật tự công cộng, chống đối chính quyền... Tháng 4/2017, trước sự chống phá quyết liệt của các đối tượng, Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4 đã về xã Thạch Lạc (nơi có Giáo xứ Bắc Lạc), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh để làm công tác dân vận. Thế nhưng, một số đối tượng xấu đã tuyên truyền, xuyên tạc mục đích làm công tác dân vận của đơn vị, kích động Nhân dân không cho bộ đội tiếp cận, giúp dân... Song, bằng sự kiên trì, khéo léo và những việc làm thiết thực, ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 283 đã tuyên truyền cho bà con nhận ra âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu. Từ đó, Nhân dân đã mời bộ đội vào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con và tình cảm quân dân ngày càng xiết chặt, người dân thực sự tin tưởng, cảm phục trước những việc làm của bộ đội; không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu đi biểu tình, chống đối chính quyền.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 283 thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Địa bàn Quân khu 4, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Bão chồng bão, lũ chồng lũ, liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở núi kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Quân đội và Nhân dân. Trong khi Đảng, Nhà nước, Nhân dân, cấp ủy, chính quyền và LLVT Quân khu đang căng mình chống dịch, chống thiên tai thì ở một số địa phương và trên mạng xã hội, các thông tin xấu độc, chống phá xuất hiện. Các đối tượng chống đối chính trị, phản động, thiếu thiện chí, lợi dụng thời khắc khó khăn này, tung tin sai trái, xuyên tạc về công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; bịa đặt, xúc phạm sự hy sinh cao cả của những cán bộ, chiến sĩ xả thân vì Nhân dân, chia rẽ tình đoàn kết quân dân; tung tin giả mạo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phòng, chống dịch Covid-19...

Thực tế cho thấy, càng trong gian khó, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng. Điều đó được chứng minh trong những năm qua, khi thiên tai, dịch bệnh hành hoành mảnh đất Khu 4. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã bất chấp gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng lao vào tâm bão, rốn lũ, những nơi dịch bệnh nguy hiểm nhất để cứu dân. Đặc biệt, trong vụ sạt lở kinh hoàng năm 2020, với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng xả thân để cứu dân, để rồi 32 cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu mãi mãi ra đi, để lại vô vàn sự xót thương và sự cảm phục trước tinh thần tất cả vì Nhân dân của các anh, mãi mãi ghi sâu trong lòng Nhân dân...

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với mô hình "Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng".

 

Không chỉ trong thiên tai, dịch bệnh mà trong cuộc sống hàng ngày, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 ngày đêm bám dân, bám bản giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ngày càng nhân rộng và phát triển. Đặc biệt, ở những địa bàn khó khăn, nhạy cảm cán bộ, chiến sĩ càng xung kích, bám nắm, giúp Nhân dân. Nhiều mô hình ý nghĩa xuất hiện như mô hình “Mỗi đảng viên đỡ đầu một hộ nghèo”, “Mỗi chi bộ giúp 2-3 gia đình thoát nghèo”, “Mẹ đỡ đầu, thắp sáng niềm tin, tiếp sức em đến trường”, “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”.. của các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu càng chứng minh rõ hơn tính hiệu quả của việc phát huy “tại chỗ” trong đấu trang bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Chính nhờ phát huy “tại chỗ”, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 đã góp phần để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng, xã, mỗi đoạn đường, mỗi cánh đồng là một trận địa, cả Quân khu 4 là một pháo đài trong các cuộc kháng chiến lại được phát huy cao độ trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đúc thành “Bức tường lửa” ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội