Nhà báo Trần Văn Hiền, mỗi bài viết là một lời tri ân
Cả cuộc đời gắn với sự nghiệp báo chí, nhà báo Trần Văn Hiền luôn trăn trở về sự nghiệp báo chí với bao dự định, nhất là viết về những nhà báo liệt sĩ. Trong câu chuyện với nhà báo Văn Hiền, vào ngày cả nước đang kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), chúng tôi hết sức cảm phục về tấm lòng của ông đối với đồng nghiệp đã hy sinh. Là con trai đầu trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có 6 anh chị em, bố ông là chiến sỹ hy sinh vào năm 1967. Khi đó ông cũng đang trên tuyến lửa làm công nhân giao thông, có mặt khắp các ngả đường, bến phà như: Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Cầu Bùng, Cầu Cấm, phà Bến Thủy (Nghệ An), phà Long Đại (Quảng Bình)…
Trong bom rơi đạn nổ, hàng ngày, hàng giờ phải tận mắt chứng kiến những hy sinh, mất mát lớn lao của đồng đội, người công nhân Trần Văn Hiền đã viết nên những tập ký đăng tải trên các báo và được Đoàn Văn công Quân khu 4, Quân khu 5 dàn dựng biểu diễn. Năm 1969, ông về công tác ở báo Nghệ An và năm 1974, lần đầu tiên nhà báo Văn Hiền được ra Hà Nội “học viết báo”. Năm 1977, ông ra trường tiếp tục về làm việc tại báo Nghệ An. Năm 1993, ông được giao trọng trách và làm Phó tổng biên tập báo Nghệ An 17 năm. Từ năm 2010, ông công tác tại Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ ở Nghệ An.
Hơn 50 năm cầm bút, trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhà báo Văn Hiền càng hiểu rõ hơn sự hy sinh của đồng nghiệp, đồng đội, những nhà báo đã cùng ông đi suốt chiều dài năm tháng. “Có người quê tận miệt vườn Cửu Long hay tận Thái Nguyên “Thủ đô gió ngàn”. Họ là lớp lớp những chiến sỹ - nhà báo tuổi còn rất trẻ, không ngại gian khổ hy sinh vào mặt trận và đã cho ra đời những tác phẩm hay, phản ánh kịp thời, chân thực về cuộc chiến tranh chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Mình may mắn sống sót thì phải làm gì để tri ân những đồng nghiệp đã hy sinh”, nhà báo Văn Hiền chia sẻ.
Trăn trở từ đáy lòng, đất nước yên bình, nhà báo Văn Hiền bắt đầu lần giở, chắp nối những tư liệu về các đồng nghiệp nhà báo – liệt sỹ như: Nông Văn Tư (Thái Nguyên), hai anh em ruột Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn (Cai Lậy -Tiền Giang), Phạm Thị Ngọc Huệ (Kim Sơn - Ninh Bình), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Quảng Bình)... Ông chắt chiu thời gian, công sức vào lại chiến trường nơi các anh, các chị hy sinh hoặc đến tận quê hương tìm lại gia đình, người thân, mất hàng chục năm gom nhặt tư liệu,... để rồi cho ra đời cuốn sách “Khoảnh khắc và mãi mãi” (Nhà xuất bản Hội nhà văn) tuyển tập 20 chân dung nhà báo liệt sỹ như một nén nhang tưởng niệm các đồng nghiệp đã hy sinh.
Cũng trong những ngày tháng đó, ông lặn lội đi khắp các nghĩa trang vừa tìm mộ cha, vừa tìm mộ đồng đội. Lòng ông quặn thắt, xót xa mỗi khi đứng trước những tấm bia mộ khắc dòng “Liệt sĩ vô danh”.
Các anh sinh ra đều có tên, có tuổi, có quê quán, lớn lên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập dân tộc rồi hy sinh, vậy tại sao lại gọi các anh là “Liệt sĩ vô danh?”. Câu hỏi luôn day dứt trong lòng ông và là nỗi niềm chung của người dân Việt Nam.
Nhà báo Văn Hiền kể lại với niềm xúc động khó kìm nén: “Trong một lần đi công tác ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), đúng vào dịp ngày thương binh, liệt sĩ, tôi vào Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào. Lòng như nghẹn lại trước những ngôi mộ chỉ có vỏn vẹn 4 từ: “Liệt sĩ vô danh”. Trong trầm mặc khói hương, một tứ thơ chợt đến, và ngay đêm hôm ấy, tôi viết một mạch xong bài thơ mang tựa đề: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh”.
Bài thơ đã làm xúc động hàng triệu con tim người Việt. Đúng một năm sau đó, Chính phủ đã khắc lại bia cho 70 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhờ đó, hiện nay tất cả các ngôi mộ mang tên “Liệt sĩ vô danh” đều được thay lại bằng tên mới: “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Cách gọi này phần nào đó đã an ủi, làm vơi ít nhiều nỗi đau mất mát.
Dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhà báo Văn Hiền vẫn luôn trăn trở về sự nghiệp báo chí với bao dự định. “Còn rất nhiều nhà báo đã hy sinh ở khắp các chiến trường vẫn chưa có đủ điều kiện để tìm, để viết, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục hành trình tìm lại quê quán, nơi hy sinh của đồng nghiệp, viết tiếp về họ”. Chỉ tính riêng trên địa bàn các tỉnh Quân khu 4 đã có 16 nhà báo liệt sĩ nên tôi luôn trăn trở cố gắng có nhiều bài viết tri ân về đồng nghiệp của mình”, đó là lời tâm sự từ đáy lòng của ông khi chia tay chúng tôi. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc ông luôn mạnh khỏe sớm thành dự định của mình.
NGỌC THĂNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận