Thứ sáu, 10/05/2024 - 17:37
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRỊ - THIÊN MÙA XUÂN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC

Cuộc tập kích chiến lược Lai - nơ - Bếch - cơ II - ngón đòn cuối cùng của Mỹ hòng xoay chuyển tình thế đã bị quân và dân ta biến thành một “Điện Biên Phủ trên không”. Hoa Kỳ phải chấp nhận thất bại. Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Ngày 29/3/1973, Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ: Tướng Uây Oen cùng với 2.501 binh sĩ Mỹ lặng lẽ rời sân bay Tân Sơn Nhất, chấm dứt sự có mặt của đội quân xâm lược Mỹ trên đất nước ta. Ta thực hiện được mục tiêu: "đánh cho Mỹ cút".

Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu trong Chiến dịch Quảng Trị 1972.

 

Mặc dù buộc phải ký hiệp định, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố, với dã tâm: “Trên hòa bình, dưới chiến tranh, ngoài hòa hợp, trong bình định”. Lợi dụng mọi cơ hội lấn chiếm vùng giải phóng, thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”.  Điển hình là ngay trong đêm 27/ 01, lợi dụng trời mưa to, sóng lớn, địch đưa Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến (TQLC) cùng hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 258, với 200 xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, không quân yểm trợ, mở cuộc hành quân “Sóng thần” tiến công ta, hòng chiếm lại Cửa Việt trước giờ Hiệp định Pa ri có hiệu lực (8 giờ ngày 28/01). Do đồng chí chỉ huy Sư đoàn 320 ở đây chỉ “cử người sang phản đối”. Vì vậy, ngay trong đêm 27, chúng đã chiếm được một vùng rộng lớn của cảng Cửa Việt mà cả mấy tháng trước không sao làm được, uy hiếp Đông Hà, Dốc Miếu, Quán Ngang. Không thể để thành quả cách mạng Quảng Trị bị đe doạ. Đồng chí Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn, sau khi báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã kịp thời ra lệnh: “Lập tức lấy lại cảng”. Đồng thời lệnh cho lực lượng vũ trang (LLVT) Quảng Trị cùng lực lượng xe tăng từ Đông Hà phối hợp tiến công địch. Từ mờ sáng, ta lấy lý do thay quân như địch đã làm hôm trước, nhanh chóng đưa đội hình áp sát các cụm xe tăng địch, rồi đồng loạt nổ súng. Tên lữ trưởng bị tiêu diệt ngay từ phút đầu. Cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt, giành giật từng tấc đất bến cảng. Bị thiệt hại nặng nề, địch bỏ lại hơn 100 xe tăng, xe bọc thép, và hàng trăm xác chết, hớt hải tháo chạy về Long Quang.

Để phát triển, mở rộng vùng giải phóng trước khi hiệp định có hiệu lực. Khu ủy Trị - Thiên đã chủ trương sử dụng Sư đoàn 324, Trung đoàn BB6 cùng LLVT 2 tỉnh tiến công địch, đẩy mạnh hoạt động, lập thêm một số “lõm” ở đồng bằng, cài thế xen kẻ với địch. Trên hướng Thừa Thiên, Trung đoàn 6 đã nhanh chóng tiến về đồng bằng, cùng quần chúng nổi dậy giải phóng xã Điền Lộc (huyện Phú Lộc). Sau hơn 2 giờ đồng loạt tiến công, gần 23 giờ ngày 27/ 01, quân ta đã hoàn toàn thắng lợi, chiếm giữ 1,5 km quốc lộ 1 từ bắc cầu Truồi đến thôn An Hòa thượng, cắt đứt giao thông địch. Từ mờ sáng 28/01, bầu trời Điền Lộc rực rỡ cờ giải phóng, không gian rộn rã tiếng loa truyền thanh. 8 giờ sáng. Khi âm vang bài hát “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ còn tha thiết ngân vang trong không khí hoà bình thì mặt đất ầm ầm rung chuyển. Hàng trăm quả pháo hạm, cùng tiếng rít của hàng chục máy bay phản lực, dội hàng chục tấn bom xuống vùng giải phóng. Từ Phú Bài, toàn bộ Trung đoàn 54, cùng một chiến đoàn thiết giáp của địch điên cuồng tiến công ta. Quân ta đã bắc loa cảnh cáo, kêu gọi quân địch không được vi phạm, nhưng kẻ thù vẫn hung hăng xông tới, buộc ta phải nổ súng. Địch liên tục tăng cường binh hoả lực, với sức mạnh áp đảo, điên cuồng tiến công hòng xóa sổ quân ta. Nhưng vẫn không tài nào đánh gục được ý chí “một tấc không đi, một li không rời” của cán bộ chiến sĩ đoàn Phú Xuân anh hùng. Sau 3 ngày kiên cường chiến đấu, đêm 30/01/1973, Trung đoàn được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng.

Do nhận thức chưa đúng về âm mưu thủ đoạn của địch, về chấp hành Hiệp định, nên cấp trên đã chỉ đạo “3 cấm”, tự rút lực lượng vũ trang địa phương ở các “lõm” về căn cứ, tự phá thế xen kẽ, tự trói tay không cho đánh địch.Vì vậy, mới 10 ngày đầu tháng 02, chỉ riêng địa bàn Trung đoàn 6 đảm nhiệm, đã bị địch chiếm lại nhiều vị trí quan trọng: Mỏ Tàu, Núi Bông, Núi Nghệ… Không thể để tình hình tiếp diễn xấu hơn. Ngày 11/02, Tiểu đoàn 6/ Trung đoàn BB6 sau khi bắc loa kêu gọi quân địch thi hành Hiệp định, nhưng chúng vẫn ngoan cố không chịu lui binh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đồng loạt cường tập, tiêu diệt tại chỗ hơn 50 tên địch. Số còn lại hốt hoảng tháo chạy khỏi điểm cao 224. Từ đây, Trung đoàn 6 chính thức được quân khu giao nhiệm vụ tiếp tục chiến đấu chống địch lấn chiếm khu vực Tây - Nam Huế.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ công tác binh vận tại vùng giáp ranh (thôn An Lộng, xã Triệu Hòa), năm 1973.

 

Sau thất baị ở Cửa Việt, điểm cao 224, địch điên cuồng sử dụng pháo binh cả trên đất liền và hạm đội 7 bắn phá vùng giải phóng, giết hại đồng bào vô tội. Mặt khác, chúng tập trung lực lượng phá “thế da báo”. Từ 01 đến 15/3, địch huy động 2 lữ đoàn, được xe tăng và máy bay yểm trợ, hành quân lấn chiếm vùng giáp ranh của ta ở Tích Tường, như Lệ, cao điểm 52, 15… Từ 06 đến 18/ 3, chúng lại đưa hơn 2.500 quân TQLC, cùng 7 đại đội và 3 trung đội bảo an, dân vệ, liên tục mở các cuộc hành quân nhằm đánh bật quân ta ra khỏi các “lõm”. LLVT cánh Nam Quảng Trị đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt 760 tên địch, phá huỷ 22 xe tăng, xe quân sự… Nhưng lại rơi vào tình thế khó khăn, đơn độc, thiếu sự phối hợp của bộ đội chủ lực, buộc phải tổ chức rút quân trong hoàn cảnh bị quân địch bao vây. Để bảo toàn lực lượng, quân ta đã mưu trí: phân tán một bộ phận nhỏ bí mật ở lại gây dựng cơ sở, phần lớn lực lượng rút lui đều giương cao cờ giải phóng. Đồng thời cử cán bộ chủ động gặp, đấu tranh chính trị, buộc địch phải chấp hành nghiêm hiệp định, để cho “lực lượng quân giải phóng sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nơi đóng quân”. Đuối lý, địch không những không dám ngăn chặn, tiêu diệt quân ta mà còn phải cử một tiểu đội dẫn đường đưa tòan bộ lực lượng ta đến vùng giải phóng an toàn.

Địch xác định Trị - Thiên là địa bàn chiến lược quan trọng. Nên chính quyền Sài Gòn liên tục bổ sung lực lượng, binh khí kỹ thuật và tăng cường tác chiến tới mức tối đa.Sau hai tháng giành giật quyết liệt, ta bị mất một số “lõm” giải phóng ở cả hai tỉnh Trị - Thiên, nhưng vẫn giữ được thế trận cơ bản như trước ngày 28/01. Tại các khu vực địch chiếm đóng, chúng đưa lực lượng đến đóng chốt, hình thành tuyến phòng ngự kiên cố theo địa hình vòng cung ôm lấy vùng kiểm soát của chúng. Địch thực hiện phân tuyến, phân vùng, dàn mỏng, chốt dày, trước mạnh, sau cơ động nhanh. Chúng ra sức quân sự hóa và cảnh sát hoá bộ máy chính quyền, đưa nhiều sĩ quan ác ôn về tận thôn, xã hòng thanh lọc quần chúng, âm mưu xóa sạch cơ sở của ta. Mặt khác, chúng tăng cường dùng máy bay, pháo hạm… liên tục đánh phá vùng giải phóng, các trục đường giao thông, đàn áp các cuộc đấu tranh của Nhân dân đòi thi hành hiệp định. Mặc dù vậy, quân và dân ta vừa tích cực đấu tranh chính trị ở tất cả vùng bị địch kiểm soát, với khẩu hiệu “Hòa bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà hợp dân tộc”, đòi địch thi hành hiệp định… vừa kiên quyết trừng trị đích đáng hành động khiêu khích, tiêu diệt những tên ác ôn ngay tại sào huyệt của chúng. Lực lượng cách mạng Hải Lăng đã đưa một số cán bộ, chiến sĩ xuống đồng bằng, móc nối, xây dựng cơ sở ở các xã Hải Lộc, Hải Tân, Hải Hòa… tiếp xúc, tuyền truyền vận động một số binh lính địch ở 22 chốt từ Khe Trái vào cao điểm 367 Mỹ Chánh.

 

Rạng sáng 2/5/1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. 

 

Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vùng tiếp giáp đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt như loa phát thanh, tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ đối thoại… Hàng trăm buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ của quân giải phóng phục vụ binh sĩ của cả ta và địch. Đông đảo binh lính Việt Nam cộng hòa đã nhận rõ chính - tà, chán ghét chiến tranh phi nghĩa, mong muốn hoà bình. Những người lính từng ở hai đầu chiến tuyến cùng nhau thưởng thức những tiết mục văn nghê, cùng chụp chung một tấm hình kỷ niệm, hay nhâm nhi miếng lương khô, viên kẹo ngọt… và cùng hướng về một ước mơ hoà bình, hoà hợp dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ước mơ đó không chỉ là nguyện vọng thiết tha của những người lính mà là khát vọng, là ý chí, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, chỉ hai năm sau ngày “Đánh cho Mỹ cút”, dân tộc ta đã tiếp tục “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nửa thế kỷ đã qua, các thế hệ quân dân Trị - Thiên nói riêng, Quân khu 4 nói chung có quyền tự hào đã vì cả nước, cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

                                                  ĐỖ PHẤN ĐẤU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội