A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trắng đêm giúp dân tránh lũ

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to, mực nước ở các sông, hồ đập lên nhanh, khiến cho các trục đường giao thông, cầu cống bị sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa người dân bị ngập sâu trong nước. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Nghệ An) đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương ngay trong đêm triển khai công tác ứng phó, tích cực chủ động hỗ trợ Nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Đêm 29, rạng sáng ngày 30/10/2020, trên địa bàn huyện Đô Lương có mưa rất to, nước trên sông Lam dâng cao. Tại một số xã như Thịnh Sơn, Quang Sơn, Thuận Sơn, Trung Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) nước lên nhanh khiến cho nhiều ngôi nhà bị ngập sâu, hàng trăm hộ dân bị mắc kẹt không ra ngoài được, nhiều xóm bị chia cắt, cô lập. Ngay trong đêm, Ban CHQS huyện Đô Lương đã huy động lực lượng, phương tiện trong đêm khẩn trương sơ tán, di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn.

Trung tá Thái Khắc Phú Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đô lương cho biết: “Để kịp thời giúp đỡ Nhân dân, đơn vị đã huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ và gần 10 phương tiện phối hợp với các lực lượng địa phương sử dụng ca nô di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn. Những nơi ngập sâu chúng tôi cắt cử lực lượng túc trực, đồng thời khuyến cáo người dân không tự ý di chuyển để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc”.

Ông Phan Sỹ Lâm ở xóm Thịnh Tâm, xã Thịnh Sơn đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Chưa bao giờ tôi thấy nước lên nhanh, chảy xiết như này. Chỉ trong một đêm toàn bộ nhà, trang trại nuôi lợn bị của gia đình ngập sâu trong nước. May có các chú bộ đội huyện đến đưa gia đình di dời chứ ở lại không biết chuyện gì xảy ra. Nhìn cơ ngơi tích góp bao nhiêu năm  của gia đình mất hết xót lắm chú à!. Nhưng tôi nghĩ còn người là còn của, cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm”.

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Đô Lương (Nghệ An) tiến hành giúp dân di dời tài sản và người đến nơi an toàn.

Được biết, để kịp thời ứng cứu và di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn Ban CHQS huyện Đô Lương đã chia làm hai hướng, hướng các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Đà Sơn do đồng chí Trung tá Thái Khắc Phú, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện chỉ huy; hướng các xã Quang Sơn, Đặng Sơn, Thịnh Sơn do đồng chí Trung tá Bùi Đăng Quý, Chính trị viên phó chỉ huy. Đến nay, tất cả các địa điểm ngập sâu cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn.

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Nghi Lộc (Nghệ An) giúp dân di dời tài sản và người đến nơi an toàn.

Trên địa bàn huyện Nghi lộc mưa lớn cũng đã khiến cho các xã Nghi Hoa, Nghi Lâm, Nghi Mỹ, Nghi Kiều và nhiều tuyến đường ngập sâu, có xóm bị cô lập. Tại xóm 8 xã Nghi Đồng mưa lớn làm sạt lở đất, 8 hộ dân với 34 nhân khẩu đã được di dời đến nơi an toàn. Ban CHQS huyện Nghi Lộc đã huy động lực lượng gần 30 cán bộ, nhân viên, 2 xuồng ca nô và lực lượng dân quân tiến hành tiếp cận các vị trí ngập sâu, sạt lở để di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn. Những tuyến đường bị sạt lở, ngập sâu Ban CHQS huyện đã cắt cử lực lượng dân quân tự vệ tổ chức canh gác, chỉ đường để người dân không đi vào vùng nguy hiểm. Vì sự an toàn của người dân nhiều cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Nghi Lộc vẫn khôn quản khó khăn vất vả, nhiều lúc chỉ kịp ăn tạm chiếc bánh mỳ, túi lương khô để kịp di dời sơ tán Nhân dân. Nhiều đồng chí nhà cữa bị ngập sâu vẫn lao vào tâm lũ để cứu Nhân dân. Như: anh  Phạm Văn Hòa dân quân tự vệ xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) vợ làm ăn xa, nước ngập nhà, trong đêm gửi vội 3 đứa con nhỏ cho hàng xóm một mình chèo thuyền đưa gần 100 người dân đến nơi an toàn.

Anh Phạm Văn Hòa, dân quân xã Nghi Mỹ dùng thuyền đưa gần 100 người đến nơi an toàn.

Còn tại huyện Thanh Chương được coi là “tâm lũ”, bất chấp đêm tối, mưa tó gió lớn gần 50 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện cùng hàng trăm dân quân xuyên đêm sử dụng ca nô, thuyền của dân có mặt ở các điểm ngập úng nặng của các xã Thanh Mỹ, Thanh Tùng, Võ Liệt, Thanh Nho... khẩn trương di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn.

Đồng chí Lê Đình Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Mưa lớn, nước sông dâng cao, nhiều hộ gia đình ngập sâu có nguy cơ mất an toàn nên ngay trong đêm 29, sáng ngày 30/10 huyện đã chỉ đạo các xã ngập sâu khẩn trương di dời tài sản, người đến nơi an toàn. Đến 6 giờ này 31/10/2020 toàn huyện đã di dời gần 2000 hộ dân đến nơi an toàn. Hiện nay lực lượng bộ đội thường trực, dân quân vẫn đang có mặt ở những nơi xung yếu, túc trực, canh gác và sẵn sàng di dời người khi nước tiếp tục lên”.

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Thanh Chương kiểm tra công tác chuẩn bị cơ động giúp Nhân dân vùng ngập lụt.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tính đến 6 giờ ngày 31/10/2020 Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã huy động 2.399 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng với gần 100 phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương dầm mình trong mưa to, nước lớn đối mặt với nhiều hiểm nguy tiến hành di dời 1.986 hộ gia đình với 7.759 nhân khẩu thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu đến nơi an toàn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phúc tạp, để kịp thời chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tiến hành họp khẩn triển khai điều động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn một số địa phương trọng điểm và thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở các cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ; Tổ chức lực lượng, phương tiện di dời người và tài sản của Nhân dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quyét như các vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ao hồ, đập chứa nước đến nơi an toàn; các đơn vị phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, duy trì nghiêm chế độ trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động khi có tình huống; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quyét, lũ ống; xác định phương án, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện khi có tình huống xảy ra; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình bị thiệt hại trong mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: DUY ĐÔNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội