A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Tình nguyện" nơi biên cương

Ngược thành phố Huế lên Khu Kinh tế - Quốc phòng Aso thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Trung đội trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 92.

Hai mươi gương mặt tình nguyện, mỗi người một vùng quê, một ngành nghề khác nhau nhưng họ đến đây đều chung mục đích là giúp đồng bào nơi núi rừng biên cương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đến với đồng bào, góp phần củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 hướng dẫn nhân dân thôn A Đớt, xã A Đớt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ở lúa nước.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Huế, cô gái trẻ Lê Thị Thắm Hằng đã tình nguyện lên biên cương để công tác. Hằng chia sẻ: "Khi còn học ở trường đại học, em được các thầy, cô giáo nói nhiều về thung lũng Aso - vùng đất đã phải gánh chịu biết bao bom đạn và chất độc da cam mà đế quốc Mỹ đã thả xuống trong chiến tranh. Lên đây em mới được chứng kiến những khó khăn, vất vả của bà con. Thời tiết thì khắc nghiệt, địa hình phức tạp, đất đai cằn cỗi, trong khi trình độ dân trí còn hạn chế, bà con chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu... Em muốn góp một phần sức trẻ của mình để giúp bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới...". 

Không chỉ Lê Thị Thắm Hằng mà tất cả các đội viên TTTTN ai cũng ấp ủ những khát vọng được cống hiến cho đồng bào. Người thì dự định sẽ giúp bà con quy hoạch định hướng về cơ cấu sản xuất, ngành nghề, phá thế "độc canh", thế "thuần nông" trên địa bàn; người thì muốn bảo tồn nghề dệt Zèng truyền thống, phát triển giáo dục,... tất cả đều được thể hiện chi tiết trong kế hoạch hoạt động của từng cá nhân, từng tổ, nhóm gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Đớt cho biết: "Trong những năm qua, lực lượng TTTTN của Đoàn KT-QP 92 đã có nhiều mô hình rất ý nghĩa, giúp bà con thay đổi cơ bản về nhận thức trong chăn nuôi, trồng trọt,…". Từ khi Đội TTTTN của Đoàn KT-QP 92 trồng thí điểm 3 sào giống lúa mới LDA1 cho gia đình chị Hồ Thị Nghĩa ở thôn A Đớt, xã A Đớt bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất  thành công, bà con mắt thấy, tai nghe, tin vào khoa học kỹ thuật và được các TTTTN hướng dẫn, rất nhiều người phấn khởi làm theo. Đến nay không chỉ ở thôn A Đớt mà cả 5 xã trên vùng dự án (A Roàng, A Đớt, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn) đều triển khai mô hình trồng lúa nước của Đội TTTTN Đoàn KT-QP 92 rất hiệu quả.

Chúng tôi được biết, thấu hiểu hoàn cảnh của bà con nơi đây khi mùa Đông về nhiều người không có quần áo ấm mặc, nhiều học sinh đến trường không đủ sách vở học. Chia sẻ với nhân dân, cuối năm 2017, Đội TTTTN Đoàn KT-QP 92 đã đứng ra phát động phong trào "Áo ấm mùa Đông" để quyên góp quần áo, sách vở tặng các em học sinh và nhân dân trên địa bàn. Để phong trào đạt hiệu quả, các TTTTN đã đăng tải lên mạng xã hội kêu người quen, bạn bè ủng hộ, phân công đội viên đến một số cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi ủng hộ để tặng nhân dân. Theo đó, các TTTTN của Đoàn đã trao 350 phần quà là quần áo cho 350 hộ gia đình; 100 bộ đồng phục mới và gần 2.000 quyển vở tặng học sinh.

Ngoài ra, lực lượng TTTTN đợt 4 đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Trạm thú y, Trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện A Lưới mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng lúa nước cho nhân dân thuộc 5 xã trong vùng dự án. Xây dựng các mô hình chuồng trại chăn nuôi gia cầm thí điểm ở 24 hộ gia đình xã A Đớt, A Roàng; phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới mở 2 lớp sau xóa mù cho 90 người dân ở xã A Đớt, Hương Lâm. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt phá rừng làm nương rẫy; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh thôn bản, phòng chống dịch bệnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Mỗi việc làm của TTTTN là một hành động ý nghĩa thể hiện sinh động giá trị cao đẹp, sáng tạo của tuổi trẻ, sự tận tụy hết lòng vì nhân dân.

           Bài, ảnh: Anh Thơ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội