A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là cần thiết và phù hợp

 Sáng 24-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

 Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) sáng 24-11. Ảnh: Chu Thắng.

 

Cần thiết quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

Về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp hiến, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, cụ thể hóa quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia tại khoản 13 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, kế thừa Điều 31 Luật Quốc phòng hiện hành, đồng thời bảo đảm thống nhất với Điều 21, Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Điều 44 Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Mặt khác, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 mới chỉ điều chỉnh tình trạng khẩn cấp về thảm họa về thiên tai, dịch bệnh hoặc khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chưa quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Luật Quốc phòng (sửa đổi) được xác định là luật khung, quy định những chính sách, vấn đề lớn về quốc phòng, trong đó cần quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; nếu bỏ quy định này sẽ không còn cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị và đối phó khi xảy ra tình trạng bạo loạn, có vũ trang, đất nước có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng có chiến tranh. Với những lý do trên, việc quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong dự thảo luật là cần thiết và phù hợp.

Quy định phòng thủ quân khu là cần thiết

Về phòng thủ quân khu tại Điều 9, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quân khu không phải là cấp hành chính. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và việc tổ chức khu vực phòng thủ hiện nay đã được xây dựng ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Giải trình vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Quy định phòng thủ quân khu là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị xác định khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là bộ phận hợp thành hệ thống phòng thủ của quân khu và cả nước. Tuy quân khu không phải là một đơn vị cấp hành chính, nhưng có vị trí, vai trò chiến lược trong hệ thống phòng thủ chung của cả nước, để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược của đất nước, đồng thời có đủ lực lượng, phương tiện để giải quyết các nhiệm vụ quốc phòng mà cấp tỉnh, cấp huyện không thể giải quyết được.

Thực tế hơn 70 năm qua cho thấy, các quân khu đã đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhưng địa vị pháp lý của phòng thủ quân khu chưa được luật định. Vì vậy, đề nghị cần được quy định phòng thủ quân khu tại luật này.

Tham gia sản xuất, xây dựng làm kinh tế là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội

Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng ở Điều 16, có ý kiến đề nghị nghiên cứu làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc, thẩm quyền, tính lưỡng dụng của một số dự án để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Điều 16 dự thảo luật là cụ thể hóa Điều 68 Hiến pháp năm 2013 và kế thừa, phát triển Điều 11 Luật Quốc phòng hiện hành. Dự thảo chỉ quy định khung chính sách lớn và giao Chính phủ quy định chi tiết theo thẩm quyền để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực kinh tế, xã hội, từng giai đoạn và từng thời kỳ phát triển của đất nước. Hồ sơ dự thảo luật đã có dự thảo nghị định quy định chi tiết nội dung này. Về ý kiến đề nghị làm rõ thêm, Bộ Quốc phòng xin được nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo với Chính phủ để chỉnh lý.

Về Quân đội nhân dân tại Điều 26, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định tham gia sản xuất làm kinh tế, ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quân đội làm kinh tế. Bộ Quốc phòng xin tiếp thu quy định quân đội tham gia sản xuất, làm kinh tế và chuyển từ Điều 38 về điều này. 

Về ý kiến đề nghị cân nhắc quân đội làm kinh tế, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Ngay từ ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ xác định: Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất. Chức năng cơ bản đó được khẳng định và phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội. Hơn 70 năm qua, quy định quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, cơ sở hạ tầng, khai hoang, phục hóa đất đai, tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư của một số đồng bào dân tộc. Xây dựng các làng, bản thành phên dậu vững chắc, tuyến biên giới của Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn mà các doanh nghiệp ngoài quân đội hầu như không đầu tư, vì lợi nhuận thấp.

Cùng với nhiệm vụ trên, các đoàn kinh tế quốc phòng còn tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tạo điều kiện ổn định tình hình kinh tế - xã hội nơi biên giới, địa bàn khó khăn, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Đối với các doanh nghiệp quân đội, bên cạnh không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh còn gắn với thực hiện xây dựng nền quốc phòng. Nhiều doanh nghiệp còn tạo lập được thương hiệu đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, hằng năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước như Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội...

Năm 2017, quán triệt nghị quyết Trung ương, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội. Từ 88 doanh nghiệp chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thực hiện thoái vốn cổ phần hóa sắp xếp sáp nhập. Ngoài nhiệm vụ trên, các Tập đoàn kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực tác chiến khi đất nước có chiến tranh. Vì vậy, nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội cần phải được quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Về Hội đồng Quốc phòng và An ninh tại Điều 36, có ý kiến đề nghị cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh là Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Về các ý kiến nêu trên, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Dự thảo luật quy định Hội đồng Quốc phòng và An ninh là kế thừa Điều 34 Luật Quốc phòng hiện hành. Theo Hiến pháp năm 2013, Hội đồng Quốc phòng và An ninh có nhiệm vụ chính, chủ yếu liên quan đến chiến tranh và nhiệm vụ quốc phòng. Để Hội đồng Quốc phòng và An ninh hoạt động có hiệu quả cần quy định có cơ quan thường trực giúp việc. Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quốc phòng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc quy định quốc phòng là cơ quan thường trực giúp việc như dự thảo của Chính phủ là phù hợp.

Bộ đội Biên phòng làm tốt chức năng làm nòng cốt trong nhiệm vụ giữ vững biên cương của Tổ quốc

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng Điều 38, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định nhiệm vụ Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương liên quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới tại khoản 2 để tránh chồng chéo.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Bộ đội Biên phòng là một quân chủng của Bộ Quốc phòng. Từ ngày thành lập, Bộ Chính trị đã có 7 nghị quyết và 1 kết luận lãnh đạo, chỉ đạo về công tác biên phòng và xây dựng bộ đội biên phòng, trong đó Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị xác định ngày 8-8-1995 đã xác định bộ đội biên phòng thực hiện tốt 3 chức năng: Quản lý nhà nước về an ninh quốc phòng; đối ngoại ở khu vực biên giới; trong thời bình là quản lý bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia.

Quy định như dự thảo là phù hợp, thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

Hơn nữa, phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ đội Biên phòng, nước ta có 44 tỉnh, thành phố có biên giới, có tỉnh có cả biên giới đất liền và biên giới biển, với gần 4.900km đường biên giới đất liền và hơn 3.260km bờ biển. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà thường xuyên trực tiếp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt chức năng làm nòng cốt trong nhiệm vụ giữ vững biên cương của Tổ quốc, chủ trì và phối hợp với các lực lượng thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển của đất nước. Nhiều đồng chí cán bộ biên phòng được phân công làm nhiệm vụ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền ở một số xã biên giới. Hình ảnh người thầy thuốc, người thầy giáo quân hàm xanh chữa bệnh, dạy học cho đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới đã tô thắm thêm truyền thống phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn thống nhất của Tổ quốc.

Ngoài ra, qua tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng ở các cấp, đa số các cơ quan, tổ chức, địa phương đều đề nghị bổ sung quy định này. Từ những vấn đề trên, chúng tôi xin đề nghị xin phép được giữ nguyên như dự thảo.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo luật theo quy định.

HUYỀN THẢO (nguồn Báo QĐND)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội