Thứ năm, 09/05/2024 - 02:39
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rước kiệu Đền Hùng

Năm đó, cũng vào những ngày tháng Ba âm lịch, tôi đưa mẹ về thăm Đền Hùng. Những cây gạo cuối cùng còn sót lại dọc đê sông Hồng nở những bông hoa đỏ thắm.

Nhà cách Đền Hùng chỉ vài chục cây số, ấy vậy mà rất nhiều năm rồi mẹ không đi hội. Dù năm nào hội phụ nữ ở xã cũng tổ chức về dâng hương Đền Hùng nhưng mẹ say xe không đi được. Các con thì mải mê mưu sinh xa quê biền biệt nên năm nào mẹ cũng chỉ xem hội qua tivi hoặc vài bức ảnh mà hàng xóm chụp về.

Rước kiệu tại Lễ hội Đền Hùng 2022. 
Ảnh: TTXVN

 

Mẹ ngồi nhớ lại ngày mình còn trẻ, một buổi sáng tháng Ba, dậy từ khi trời mới tờ mờ. Mẹ mặc bộ quần áo đẹp nhất, đi đôi dép mới mua, chờ nhóm thanh niên trong làng rủ nhau đi hội. Ngày ấy không có xe, xa hay gần đều đi bộ. “Nhưng đi bộ mãi thành quen nên năm chục cây số với tụi mẹ cũng không có gì ghê gớm”.

Hồi ấy mẹ mới mười tám tuổi, tóc xanh và mắt biếc. Giờ mẹ đã ngoài sáu mươi, già nua đến từng sợi tóc. Ngồi sau xe con đèo, thỉnh thoảng mẹ lại bảo “đường khác xưa nhiều quá”. Tôi như có thể nghe thấy tiếng của xúc cảm bồi hồi trong mẹ khi ký ức dội về. Phải, tất cả đều đã khác. Chỉ có bầu trời là vẫn xanh, hoa gạo vẫn đỏ như đốm lửa. Đi dưới những con đường bát ngát vòm xanh tôi thấy mẹ như đang dần trẻ lại. Khi tiếng trống chiêng rộn rã của đoàn rước kiệu vang lên ngày một gần hơn. Cũng là lúc Đền Hùng đã ở ngay trước mặt…

Mẹ ngước nhìn cổng đền hồi lâu, chầm chậm hòa vào dòng người từ khắp nơi đổ về. Những cụ già thong thả đứng dọc hai bên đường để chuẩn bị đón đoàn rước kiệu. Những nam thanh nữ tú rạng rỡ nói cười. Những đứa nhỏ mắt long lanh, xúng xính quần áo đẹp. Chúng thích thú với những gian hàng được bày bán đồ chơi, đồ lưu niệm. Lúc này các kiệu được rước từ đình, đền các xã, phường, thị trấn vùng ven đã bắt đầu tiến vào đến sân Trung tâm Lễ hội Đền Hùng. Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bỉu. Đoàn người ngoài những vị cao niên thì tham gia hội tế lễ còn có các “quan viên” và người dân trong làng. Không khí vừa trang nghiêm vừa phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt người khiến mẹ tôi không thể nào rời mắt. Nhất là trước các đoàn diễn hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, lạc quan, vui tươi của người nông dân. Mẹ như tìm thấy mình trong ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no.

Các sản vật địa phương như bánh chưng, bánh giầy được dâng lên cung tiến các vua Hùng thể hiện tấm lòng của người dân lao động. Những sản vật ấy đều là công sức một nắng hai sương của người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bánh giầy tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Từ hạt gạo trắng trong làm ra những chiếc bánh gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước bao đời của người Việt Nam ta. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Qua Thậm Thình” của Nguyễn Bùi Vợi: “Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi/ Đẹp lòng vua phán bầy tôi/ Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà”. Mẹ tôi lùi lại phía sau, thong thả đi theo đoàn rước kiệu lên dâng hương từng đền. Dù những khớp xương của mẹ đã bắt đầu đau nhức nhưng trên khuôn mặt mẹ lộ rõ vẻ phấn khởi, tươi vui.

Năm nay, Lễ hội Đền Hùng chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Lễ dâng hương và rước kiệu vẫn diễn ra như thường lệ. Vì đây là nghi lễ truyền thống được các xã vùng ven Đền Hùng duy trì, bảo tồn từ hàng nghìn năm nay. Nó thể hiện tính cộng đồng, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, hướng về nguồn cội, tri ân công đức của tổ tiên. Tôi cũng tin rằng, dù phần hội không được tổ chức nhưng con dân nước Việt vẫn sẽ hướng về Đền Hùng như trong câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

 Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba…”.

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội