A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống thiên tai

Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đá... Để chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc luôn chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt nhằm ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Thượng tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy Trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác kêu gọi tàu, thuyền vào tránh trú báo tại khu neo đậu xã Phú Hải, huyện Phú Vang.

 

Để đối phó với mùa mưa bão năm nay, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đối với Đội tàu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ sát với thực tế địa phương, nhất là bổ sung các bài huấn luyện bơi, huấn luyện lái tàu xuồng, huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Hữu Thùy, Đội trưởng Đội tàu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đội đã chuẩn bị từ con người đến phương tiện, vật chất, trang thiết bị áo phao, sào chống, dây cứu hộ và lương thực, thực phẩm dự trữ đủ cho đội cứu hộ, cứu nạn từ 7 đến 10 ngày. Trong ngày công tác kỹ thuật thứ 6 hàng tuần, Đội đã lồng ghép tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về kỹ thuật lái tàu, xuồng để nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng thực hiện tốt công tác phòng, chống bão lụt”.

Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 chuẩn bị lực lượng, phương tiện phòng, chống bão lụt.

 

“Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động hợp đồng bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, rà soát những nhà cao tầng, các trường học trên địa bàn để làm công tác di dời Nhân dân khi có tình huống xảy ra. Ban Chỉ đạo xã tổ chức rà soát các hộ neo đơn, các hộ gia đình có nguy cơ ảnh hưởng do bão, lụt để ưu tiên di dời đến nơi an toàn khi có bão lũ. Đặc biệt, chỉ đạo cho lực lượng dân quân thường xuyên tuần tra khi có bão lũ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn” - Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang nêu kinh nghiệm.

Cùng với củng cố lực lượng, các trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai cũng được các cơ quan, đơn vị, nhà trường trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bổ sung, bảo quản, bão dưỡng, đúng kỹ thuật, với trên 1.100 tàu, xuồng, thuyền các loại, hàng chục xe tải, xe lội nước chuẩn bị phục vụ cho các nhiệm vụ khẩn cấp. Nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân tư trang cá nhân, hệ thống phao tập thể, phao cá nhân, nhà bạt, lượng xăng dầu… không những dự trữ để phục vụ cho các đơn vị mà còn sẵn sàng cung cấp một phần cho Nhân dân khi cần, thiết. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hiệp đồng với các đơn vị của Bộ và Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn để sẵn sàng “chi viện” lực lượng khi cần thiết.

Lực lượng dân quân huyện Phú Vang giúp Nhân dân neo đậu tàu thuyền tránh bão.

 

Thượng tá Đỗ Minh Trí, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Thủy cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân về nâng cao ý thức kỹ năng trong công tác phòng, chống lụt bão, tham mưu cho lãnh đạo thị xã tổ chức khảo sát các hồ đập, công trình thủy lợi, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá khi lụt bão xảy ra để có biện pháp gia cố, khắc phục trước mùa mưa bão”.

Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai cho các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão một cách cụ thể đến tận người dân, đến từng thôn, tổ dân phố, nắm chắc các hộ gia đình, số lượng người dân cần phải di dời khi mùa mưa bão diễn ra. Phân công các đồng chí chỉ huy, cán bộ phụ trách trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở trong công tác phòng, chống bão lụt, triển khai bộ đội thường trực, dân quân tự vệ sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị hệ thống nhà bạt phòng, chống bão lụt.

 

Thượng tá Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: “Phòng Hậu cần đã có tham mưu xây dựng các phương án bảo đảm vật chất cho mọi tình huống. Ngoài cấc phương tiện hiện có của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh như ô tô, tàu xuồng, chúng tôi còn hợp đồng với Sở Giao thông để khi có tình huống khẩn cấp, cần chở vật chất số lượng lớn thì huy động; dự trữ đủ nhiên liệu bảo đảm cho tàu, thuyền, xe ô tô hoạt động trong phòng chống bão lụt. Về lương thực đối với các lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều dự trữ từ 5 đến 7 ngày thực phẩm khô để sẵn sàng mang theo cơ động, riêng lực lượng Đội tàu là 10 ngày. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã hợp đồng chặt chẽ với các Sở, ban, ngành địa phương, đặc biệt Sở Công thương, các công ty cung ứng sản phẩm xã hội thiết yếu bảo đảm cho bà con sử dụng được nhanh trong mùa mưa lũ như là lương khô, mỳ tôm và các thực phẩm khô khác thì Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hợp đồng cụ thể, đối với Sở Công thương bảo đảm khi tình huống khẩn cấp sẽ đáp ứng được 5 tấn lương khô và 10 tấn gạo để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và cứu trợ khẩn cấp cho bà con”.

Bài, ảnh: TrẦn Tình


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội